Bài viết

Chiến lược M&A và sự tăng tốc của PAN

 

Tập trung vào hai mũi nhọn là nông nghiệp và thực phẩm, Tập đoàn PAN đặt mục tiêu trở thành công ty hàng đầu hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, xây dựng thương hiệu đáp ứng các tiêu chuẩn cho bất kỳ thị trường khó tính nào trên thế giới.

Bằng chiến lược M&A, PAN đang nắm giữ Công ty Cổ phần Giống cây trồng trung ương (Vinaseed – NCS), Công ty Cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC), Công ty Cổ phần Bibica (BBC), Công ty Cổ phần Chế biến hàng xuất khẩu Long An (Lafooco – LAF), Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu thủy sản Bến Tre (AquatexBentre – ABT), Công ty Cổ phần thực phẩm Sao Ta (Fimex VN – FMC),… qua đó dần hoàn thiện chuỗi giá trị khép kín theo mô hình Farm - Food - Family, kỳ vọng đến năm 2022, sẽ đưa doanh thu cán mốc 1 tỷ USD.


Bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch HĐQT Tập đoàn PAN đồng thời là Chủ tịch HĐQT Công ty PAN Farm chia sẻ cách thức tăng trưởng bền vững dù PAN chỉ mới gia nhập ngành nông nghiệp trong thời gian ngắn.

* Tại sao PAN lại phát triển kinh doanh trong ngành nông nghiệp và thực phẩm bằng chiến lược M&A, thay vì xây dựng từ đầu, thưa bà?

- Đối với ngành nông nghiệp và thực phẩm, nếu khởi động từ đầu sẽ cần thời gian rất dài để có được vị thế một doanh nghiệp lớn. Chẳng hạn, nếu xây dựng một công ty giống từ đầu, để có được những bộ giống tốt cần có sự đầu tư nghiên cứu và phát triển, cùng với đó là hình thành đội ngũ nhân lực có chuyên môn cao, với phòng thí nghiệm và đồng ruộng để thực nghiệm và cả hệ thống phân phối nữa thì thời gian có thể kéo dài nhiều năm. Vì vậy, thông qua các thương vụ M&A, PAN đã sở hữu được các công ty có thương hiệu, có nguồn nhân lực tốt, và có thị trường rộng lớn.

Nền tảng ấy đã giúp PAN trong thời gian ngắn xây dựng được chuỗi giá trị, sản xuất sản phẩm đủ sức đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, đồng thời thiết lập được nền tảng vững chắc trong ngành nông nghiệp, thực phẩm, phân phối sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

* Như vậy là PAN đã “khá khôn khéo” khi chủ yếu M&A các công ty hàng đầu trên thị trường?

- Đúng là những doanh nghiệp mà PAN thực hiện M&A đều nằm trong tốp đầu của thị trường, mạnh về sản phẩm, thương hiệu, hệ thống phân phối. PAN được hưởng lợi ngay các giá trị và kết quả kinh doanh từ các công ty này. 

Tuy nhiên, quan điểm của PAN về M&A không chỉ là tài sản, dòng tiền, doanh thu hay lợi nhuận của các công ty PAN nắm vốn chi phối mà trên tất cả chúng tôi có nguồn nhân lực chất lượng cao. Chính con người mới là điều kiện tiên quyết thúc đẩy tăng trưởng kinh doanh nhanh bền vững của các doanh nghiệp khi trở thành một thành viên của Tập đoàn.

Một điểm thuận lợi khác của PAN trong quá trình M&A các công ty hàng đầu là thời điểm đó, không nhiều nhà đầu tư quan tâm đến lĩnh vực nông nghiệp, và PAN đã chọn đúng thời điểm để rót vốn chi phối, tích lũy nền tảng. Chẳng hạn, với lĩnh vực giống, PAN sở hữu hai công ty hàng đầu là NCS và SSC. Về ngành thực phẩm, PAN nắm giữ quyền chi phối BBC, LAF, ABT, FMC, … Đến thời điểm này, nếu muốn cũng khó có thể thực hiện những thương vụ M&A các công ty này.

* Hậu M&A chưa bao giờ là đơn giản. Vậy bằng cách nào PAN có được sự hợp tác và chấp nhận về “mái nhà chung” từ các công ty hàng đầu trên thị trường mà không vấp phải “rào cản” từ các cổ đông của họ?

- Thách thức thông thường của một thương vụ M&A là sự xung đột giữa người cũ và người mới. Mua thành công một công ty đã khó, quản trị công ty sau M&A càng không dễ dàng. Sự xung đột này rất dễ hiểu vì người ta lo lắng về sự thay đổi chiến lược kinh doanh, nhân sự, văn hóa công ty, kể cả việc có thể mất các lợi ích cá nhân từng có.

Tuy nhiên với PAN thì khác, khi chọn M&A, PAN luôn nhắm đến các công ty kinh doanh minh bạch, người đứng đầu công ty đó có tâm, có tầm, sẵn sàng cùng hợp tác, dám thay đổi để thúc đẩy doanh nghiệp vươn đến tầm cao mới. 

Thực tế, sau khi giữ vai trò chi phối, PAN không thay đổi bộ máy nhân sự các công ty mình sở hữu, chúng tôi dựa vào lực lượng tại chỗ, đưa thêm người vào hội đồng quản trị để hỗ trợ nâng cấp hệ thống quản trị, hoạch định chiến lược kinh doanh và gọi vốn từ các công ty đầu tư để nâng cao năng lực tài chính, sức cạnh tranh và khai thác hết tiềm năng sẵn có của công ty cũ.

Cơ chế của PAN sau M&A là mở cho công ty hoạt động linh hoạt nhằm phát huy tối đa nội lực, giúp nhân sự trong công ty có động lực cống hiến vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp, trong đó có lợi ích của chính họ. Với mục tiêu con người là vốn quý nhất thì mọi xung đột hay rào cản của M&A dễ dàng được hóa giải.

Một điểm đặc biệt khác nữa là chúng tôi luôn tập hợp lưc lượng với chung một khát vọng xây dựng Tập đoàn trở thành doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm.

Đến thời điểm này, chúng tôi đồng thuận suy nghĩa là sau khi các công tyvề với PAN, mọi thứ đều phát triển ngày càng tốt lên.

* Nói đến M&A phải nhắc đến nguồn lực tài chính, vậy PAN hoạch định chiến lược tài chính ra sao để đủ nguồn lực cho việc mua cổ phần chi phối, cũng như nguồn vốn phát triển công ty đó sau M&A?

- PAN có nhiều quỹ đầu tư lớn như Tổ chức Tài chính quốc tế IFC - thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới (International Finance Corporation), TAEL Two Partners, Government of Singapore (GIC), PYN ELITE FUND (NON-UCITS), Công ty Cổ phần Chứng khoán Sài Gòn (SSI), NDH Invest, CSC Việt Nam,… hợp tác đầu tư. Những đối tác này không chỉ có tiềm lực tài chính dồi dào mà còn hỗ trợ về mặt công nghệ giúp PAN phát triển các sản phẩm đạt tiêu chuẩn quốc tế. Đồng thời thông qua mạng lưới khách hàng rộng lớn của các tổ chức này, PAN mở rộng thị trường ra các nước, từ đó mở rộng quy mô sản xuất, phát triển sản phẩm, nâng cao khả năng quản trị doanh nghiệp và tiềm lực tài chính, từng bước hiện thực hóa chiến lược trở thành công ty hàng đầu về nông nghiệp trong khu vực. 

Chúng tôi luôn có khát vọng nâng cao vị thế ngành nông nghiệp Việt Nam bằng việc sản xuất và cung cấp các sản phẩm sạch, có chất lượng cao, truy xuất nguồn gốc trong chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Nhờ thế PAN nhận được sự hợp sức và đầu tư từ các tổ chức quốc tế và các quỹ đầu tư uy tín trên thế giới. Tất nhiên điều ấy là chưa đủ, vì các định chế tài chính còn nhìn vào tốc độ tăng trưởng và đội ngũ nhân lực của PAN để rót vốn đầu tư. 

Giai đoạn 2012 - 2017, PAN đã đạt được bước nhảy vọt trong kết quả kinh doanh với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) là 71% và lợi nhuận sau thuế 44%. Riêng năm 2017, PAN đạt doanh thu 4.074 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với năm 2016, cùng với đó lãi ròng đạt 501 tỷ đồng, tăng cao so với năm 2016 (385 tỷ đồng).

Tại thị trường nội địa, các sản phẩm của PAN phủ sóng khắp 63 tỉnh - thành với 1.500 đại lý độc quyền, 300 đại lý kinh doanh và 132.000 điểm bán lẻ, 160 nhà phân phối, 2.000 siêu thị và 700 đại lý kinh doanh. Đồng thời PAN đang xuất khẩu sản phẩm đi 30 nước trên thế giới.

* Riêng lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao thì hình như PAN có các bước đi chậm và chắc?

- Làm nông nghiệp, đặc biệt là nông nghiệp công nghệ cao không thể đi nhanh được. Các sản phẩm nông nghiệp của PAN chủ yếu xuất khẩu vào thị trường khó tính nên phải rất cẩn trọng trong kỹ thuật canh tác, vì chỉ cần bỏ qua một bước là sản phẩm không đạt chất lượng, bị trả về ngay, kéo theo đó là mất uy tín, mất khách hàng.

Chúng tôi cũng muốn mở rộng diện tích canh tác, như hoa, dưa lưới,… để tăng sản lượng nhưng vận hành công nghệ nông nghiệp cần phải có nhân lực được đào tạo kỹ, suất đầu tư không hề nhỏ nên gây áp lực lớn lên hiệu suất sản xuất. Do đó, phải đi chậm và chắc để đảm bảo không đối mặt với rủi ro.
PAN chấp nhận điều này để có sản phẩm chất lượng cao và doanh thu từ từ tăng trưởng theo.

* Bà có thể cho biết chiến lược kinh doanh của PAN trong thời gian tới?

- Về sản phẩm, PAN sẽ luôn xuất phát từ thị trường và nhìn thấy sớm xu hướng để đáp ứng, nhất là chất lượng, sự độc đáo, tính sáng tạo và sức khỏe cho người tiêu dùng để thu hút người mua.

Chúng tôi tiếp tục kế hoạch mua cổ phần chi phối một số công ty có thế mạnh trong ngành nông nghiệp và thực phẩm để thúc đẩy chuỗi giá trị sản xuất nhiều mặt hàng chủ lực của ngành nông nghiệp, thực phẩm Việt Nam.

Trên nền tảng này, PAN kỳ vọng doanh thu sẽ cán mốc 1 tỷ USD và lợi nhuận trước thuế từ 95 - 100 triệu USD muộn nhất là vào năm 2022.

* Cảm ơn những chia sẻ của bà!

 

Bài đăng trên tạp chí Doanh nhân Sài Gòn, số Tân niên 2018
Minh Phương (thực hiện)

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: