Bài viết

Doanh nghiệp duy nhất của Việt Nam chia sẻ gì tại hội nghị thượng đỉnh về thương mại bền vững?

Tập đoàn PAN là đại diện duy nhất của Việt Nam tham dự Hội nghị thượng đỉnh về thương mại bền vững do Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) tổ chức.

Bà Nguyễn Thị Trà My - Tổng giám đốc Tập đoàn PAN - chia sẻ những bài học về phát triển bền vững tại Lafooco và Thực phẩm Sao Ta, coi Covid-19 là cơ hội nhìn nhận lại mình và chia sẻ tầm nhìn về sự thay đổi chuỗi cung ứng thực phẩm sau đại dịch.

Bà Nguyễn Thị Trà My - CEO Tập đoàn PAN là diễn giả Việt Nam duy nhất tại Good Trade Summit 2020 với hơn 1500 khách mời toàn cầu đăng kí tham dự.

Sự kiện Good Trade Summit (Hội nghị thượng đỉnh về thương mại bền vững) năm nay được Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) tổ chức trực tuyến từ Thụy Sĩ trong hai ngày 7-8/10. Đây là sự kết hợp của SheTrades Global - sự kiện quốc tế hàng đầu liên kết các nữ doanh nhân với bên mua và đối tác - và Diễn đàn Thương mại vì Sự phát triển Bền vững (T4SD) - một trong những sự kiện hàng đầu thế giới về chuỗi giá trị bền vững.

Với chủ đề "Trỗi dậy mạnh hơn từ Cuộc khủng hoảng Covid-19", hội nghị tập trung nhấn mạnh sự cần thiết phải đặt tính bền vững và bình đẳng giới vào trọng tâm của quá trình phục hồi từ khủng hoảng Covid-19 trong khi làm nổi bật tầm quan trọng của “thương mại bền vững” cho một thế giới bình đẳng và toàn diện hơn.

Là đại diện duy nhất của doanh nghiệp Việt tham dự diễn đàn, bà Nguyễn Thị Trà My, Phó Chủ tịch, CEO Tập đoàn PAN (HoSE: PAN), đã có những chia sẻ về chiến lược phát triển bền vững của Tập đoàn PAN và những giải pháp ứng phó trỗi dậy mạnh sau đại dịch Covid-19 trong phiên thảo luận về môi trường “Duy trì đà phát triển: Từ phục hồi Covid-19 đến Chuyển đổi Xanh” của ngày làm việc thứ nhất.

“Tại Tập đoàn PAN, phát triển bền vững là chiến lược xuyên suốt. Chúng tôi tin phát triển bền vững là cách ứng phó tích cực và chủ động với những sự khó lường trong tương lai”, bà Nguyễn Thị Trà My nói.

CEO Tập đoàn PAN chia sẻ câu chuyện của Lafooco - một thành viên của tập đoàn - về chuyển đổi kinh doanh từ chế biến và xuất khẩu nhân điều sang kinh doanh điều giá trị gia tăng có xuất xứ hữu cơ, ứng dụng công nghệ mới hiện đại trong quy trình chế biến hạt điều.

Câu chuyện của Thực phẩm Sao Ta, một thành viên khác của PAN, cũng được các diễn giả đánh giá cao bởi những nỗ lực trong hoạt động nuôi trồng, chế biến tôm xuất khẩu với những tiêu chuẩn đáp ứng khắt khe. Đáng chú ý, công ty hiện có hơn 4.000 lao động nhưng 90% trong số đó là người dân tộc thiểu số.

Về những giải pháp phục hồi trong thế giới hậu Covid-19, bà Nguyễn Thị Trà My khẳng định Tập đoàn PAN và các công ty thành viên sẽ chủ động phát triển chuỗi cung cứng, tiếp tục đa dạng hóa thị trường cả trong và ngoài nước. “Chúng tôi không chỉ quan tâm đến việc tạo ra lợi nhuận bao nhiêu mà còn chú ý đến những rủi ro và tác động môi trường trong quá trình đạt lợi nhuận đó”, bà cho biết.

“Bằng cách áp dụng các hành động phát triển bền vững tại Việt Nam, chúng tôi đảm bảo được việc tuân thủ luật pháp tốt hơn, quản lý các rủi ro về môi trường và xã hội… Áp dụng các phương thức sản xuất bền vững đồng nghĩa những nguy cơ trên được giảm thiểu”.

Theo bà Trà My, Việt Nam đang có lợi thế kiểm soát tốt dịch bệnh và nhanh chóng phục hồi với dự báo đà tăng trưởng ở mức 2% trong năm nay. Hiện tại vẫn chưa thể biết cụ thể thời điểm nào Covid-19 sẽ thực sự chấm dứt. “Với chúng tôi, Covid-19 như một phép thử để tự nhìn nhận lại mình, tái đánh giá các kế hoạch trước mắt, các tham vọng về dài hạn. Chúng tôi bình tĩnh, cầu thị, tự tin và sẵn sàng cho những thách thức và cơ hội sắp tới”, bà khẳng định.

“Tập đoàn PAN mong muốn được kết nối với các đối tác nước ngoài trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm tại Việt Nam để thúc đẩy sản xuất và tiêu thụ bền vững. Đây là một phần trong sứ mệnh của Tập đoàn PAN và chúng tôi hoan nghênh hợp tác hơn nữa với các bên có quan tâm”.

Phiên thảo luận còn có sự hiện diện của ông Peter Bakker - Chủ tịch, CEO Hội đồng Doanh nghiệp Thế giới vì Sự phát triển Bền vững (WBCSD), ông Jason Clay - Giám đốc Điều hành & Thị trường, Viện Thị trường thuộc Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn Thiên nhiên (WWF), bà Madelaine Tuininga - Tổng giám đốc Thương mại Ủy ban châu Âu và người điều phối Carolyn Deere Birkbeck - nhà nghiên cứu cấp cao tại The Graduate Institute of International and Development Studies.

Phiên thảo luận nêu trên nằm trong nghị trình 2 ngày của hội nghị thượng đỉnh, trong đó ngày 7/10 tập trung vào nội dung “hướng đến một đợt phục hồi toàn diện và bền vững” (Towards a sustainable and inclusive recovery). Trong ngày làm việc thứ hai, vấn đề được đề cập là “Con đường phía trước: Sự bền bỉ thông qua thương mại bền vững, bao trùm và đổi mới” (The way forward: Resilience through sustainable, innovative and inclusive trade).       

Trong 2 ngày làm việc các diễn giả đã đánh giá những vấn đề trên thông qua khía cạnh chuỗi giá trị từ mọi góc độ: những bài học nào có thể rút ra từ khủng hoảng Covid-19, làm thế nào để tận dụng chúng như một cơ hội để nhấn nút tái khởi động và xây dựng chuỗi cung ứng bền bỉ, phát triển hơn, giải pháp để thúc đẩy thương mại bền vững…

ITC là cơ quan chung giữa Liên Hợp Quốc và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), cơ quan đa quốc gia duy nhất hoàn toàn vì mục tiêu hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ, trách nhiệm chính là tập trung vào mở rộng cơ hội thương mại với mục tiêu xây dựng sự bền vững.

ITC từng giúp kết nối doanh nghiệp tại các quốc gia đang phát triển với các chuỗi giá trị, xây dựng mối liên kết thị trường bền vững và mang lại kết quả phát triển tích cực.

Đặc điểm nổi bật của ITC là cung cấp giải pháp tích hợp bằng cách xây dựng năng lực về thể chế, quản lý và kinh doanh cùng lúc tại cấp chính quyền, tổ chức và doanh nghiệp.

 

Theo: NDH.vn

 

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: