Cổ đông ngoại hưởng trái ngọt sau 3 năm đầu tư vào PAN
Với đà tăng giá mạnh như hiện nay thì sau 3 năm mua cổ phần phát hành riêng lẻ, các cổ đông chiến lược của PAN như GIC, TAEL, PYN Elite Fund, IFC đã lãi gấp đôi.
Cách đây tròn 3 năm, CTCP Tập đoàn Pan (HOSE: PAN) đã huy động thành công hơn 752 tỷ đồng trong đợt phát hành riêng lẻ 21,5 triệu cổ phiếu với mức giá 35.000 đồng/cp. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của PAN tăng từ 617 tỷ đồng lên 832 tỷ đồng.
Nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn vào PAN lúc bấy giờ có sự góp mặt của các tổ chức nước ngoài như GIC, TAEL, PYN Elite Fund và Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC (International Finance Corporation) - Thành viên của Nhóm Ngân hàng Thế giới. Trong đó, IFC là cổ đông mới còn các đơn vị còn lại đã gắn bó với PAN từ lâu. Khi đó, IFC mua khoảng 5% (tương đương 140 tỷ đồng) và trở thành cổ đông chiến lược. Theo thông tin từ IFC và PAN, việc hợp tác giữa hai bên được thỏa thuận thành công và chuyển tiền trong thời gian ngắn kỷ lục.
Không chỉ mua cổ phần phát hành riêng lẻ, các nhà đầu tư tổ chức trên còn mua thêm cổ phần phát hành cho cổ đông hiện hữu cuối năm 2015. Cụ thể, PAN thực hiện thêm đợt chào bán hơn 16,6 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu với giá 10.000 đồng/cp
Trong cả quá trình đầu tư vào PAN, các nhà đầu tư nước ngoài kể trên hầu như chỉ tăng khối lượng nắm giữ. Tính đến cuối năm 2017, TAEL sở hữu 24,33 triệu cố phiếu, ứng với tỷ lệ 20,67%; PYN Elite Fund sở hữu hơn 10 triệu cổ phiếu, ứng với tỷ lệ 8,55%; GIC nắm 5,74 triệu cổ phiếu, ứng với 4,88% và IFC nắm gần 5,6 triệu cổ phiếu, ứng tỷ lệ 4,74% vốn.
Danh sách cổ đông lớn PAN tính đến cuối năm 2017
Mua tại mức giá 35.000 đồng/cp, đến nay có thể nói khoản đầu tư vào PAN đã mang lại cho các nhà đầu tư này khoản lợi nhuận gấp đôi, chưa tính cổ tức tiền mặt 10% được chia vào tháng 10/2015 và cổ tức cổ phiếu 15% chia vào tháng 7/2017.
Diễn biến giá cổ phiếu PAN 5 năm qua
Giai đoạn 2015, PAN thực hiện nhiều đợt huy động vốn nhằm mục đích M&A đơn vị trong ngành nông nghiệp, thủy sản, thực phẩm tiêu dùng có tình hình kinh doanh tốt và các chỉ số tài chính cơ bản hấp dẫn.
Với nguồn tiền thu được, 3 năm qua, PAN đã liên tục thực hiện thành công các thương vụ M&A như năm 2015 tăng sở hữu NSC lên 75%, PAN Food mua 42,3% vốn BBC và 76,7% vốn LAF. Năm 2016, PAN thành lập PAN – Saladbowl và PAN Farm, PAN Food tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại ABT lên 72,82%, LAF lên 80,52%, BBC lên 43,7%, hoàn tất mua 22,4% vốn của Thủy sản 584 Nha Trang. Năm 2017, PAN Food đã tăng tỉ lệ sở hữu tại Bibica từ 43,73% lên 50,07%, đưa Bibica từ công ty liên kết trở thành công ty con và đầu năm 2018 FMC trở thành thành viên của Tập đoàn khi thông qua 02 Công ty con là PAN Farm và ABT, PAN Group đã chính thức sở hữu gần 21,17 triệu cổ phiếu FMC, tương đương 54.3% vốn điều lệ của FMC.
Chính nhờ M&A mà Tập đoàn đã đạt được kết quả vô cùng ấn tượng, theo báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017, Tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.075 tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch năm và tăng trưởng gần gấp rưỡi so với năm trước. Lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ đạt 371 tỷ đồng, gần gấp đôi so với kế hoạch và tăng trưởng 44% so với năm trước. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 3.154 đồng, tăng 35% so với năm 2016.
Việc mua thành công FMC đầu năm 2018 kỳ vọng sẽ đem lại kết quả kinh doanh vượt trội cho Tập đoàn. CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI) đánh giá việc hợp nhất FMC và BBC tiếp tục đóng góp lần lượt 40% và 20% tổng doanh thu Tập đoàn thời gian tới.
Nguồn: CafeF.vn