Công ty phân phối mới thành lập tham vọng doanh thu 150 tỷ đồng/tháng
Tháng 6 vừa qua, CTCP Phân phối hàng tiêu dùng PAN, gọi tắt là PAN CG, vừa chính thức được thành lập với mục tiêu sớm hướng tới doanh thu 150 tỷ đồng / tháng, thông qua việc phân phối trước hết là các sản phẩm nông nghiệp, thực phẩm của Tập đoàn PAN, sau đó là các sản phẩm có chất lượng tương đương từ đối tác. Đây được xem là động thái phù hợp của doanh nghiệp nội trong bối cảnh hệ thống phân phối trong nước bị các công ty nước ngoài thâu tóm, đồng thời có chủ trương phân biệt đối xử với hàng hoá có xuất xứ ngay tại Việt Nam.
Tuy mới thành lập nhưng cùng với việc sở hữu hệ thống bao phủ gần như 100% các điểm bán hiện đại (siêu thị, đại siêu thị, cửa hàng tiện lợi…), PAN CG đã có trong tay đội ngũ hơn 800 nhân viên có quan hệ với hơn 145.000 cửa hàng bán lẻ tại 63 tỉnh thành. Một trong những chiến lược đáng chú ý của doanh nghiệp chính là đồng hành về mọi mặt, đặc biệt là hỗ trợ nền tảng công nghệ cho các điểm bán truyền thống này, giữa bối cảnh phải cạnh tranh quyết liệt với các kênh bán hiện đại trong Cuộc cách mạng công nghệ 4.0.
Các sản phẩm chất lượng cao của doanh nghiệp Việt sẽ được phân phối qua hệ thống hiện đại của PAN CG.
Theo báo cáo Chỉ số niềm tin nhà bán lẻ của Nielsen Việt Nam năm 2018, trong số 1,4 triệu điểm bán lẻ (tất cả các loại hình) trên cả nước, kênh truyền thống vẫn lớn nhất về số lượng cửa hàng, đóng góp khoảng 83% tổng doanh thu, tương đương gần 10 tỷ USD cho ngành hàng này. Một khảo sát được thực hiện trong 3 tháng đầu năm nay cũng cho thấy bất chấp sự lên ngôi của các kênh mới, vẫn có 64% người tiêu dùng chọn mua thực phẩm đóng gói tại cửa hàng, gấp đôi số mua sắm trực tuyến.
Tuy vậy, thống kê gần đây đối với 500 chủ cửa hàng bán lẻ tại Hà Nội và TP HCM lại cho thấy 18,5% cửa hàng không sử dụng các công cụ quản lý; 41% đang quản lý bằng sổ sách thủ công, trong khi chỉ có hơn 40% dùng phần mềm quản lý bán hàng. Nhiều chủ cửa hàng quản lý công nợ theo ghi chép, không thể theo dõi chính xác thất thoát. Với tỷ suất lợi nhuận thấp của ngành bán lẻ Việt Nam (khoảng 2-3% doanh thu hàng năm), nếu không quản lý chặt thất thoát, quản trị được luồng hàng ra vào hợp lý, tận dụng được ưu đãi của nhà cung cấp… các cửa hàng rất dễ rơi vào tình trạng “lãi ảo, lỗ thật”.
Với nhiều nhân sự cấp cao có trên 25 năm kinh nghiệm trong ngành, lãnh đạo PAN CG cho rằng đây là vấn đề cần được tháo gỡ bằng công nghệ, qua đó gia tăng hiệu quả kinh doanh cho cả nhà phân phối và điểm bán. “Chúng tôi hiểu được rất nhiều khó khăn của các anh chị chủ cửa hàng bán lẻ khi thiếu hàng nhiều ngày liền mà đơn đặt hàng không biết khi nào được giao. Có anh chị thì không nắm được những thay đổi giá bán từ công ty, hay là các chương trình hỗ trợ bán hàng…”, ông Trần Đức Tuyển, quyền Tổng giám đốc PAN CG chia sẻ.
Hệ thống của PAN CG, do đó, được thiết kế để tích hợp và liên thông dữ liệu giữa nhà sản xuất, nhân viên bán hàng và nhà bán lẻ. Đối với nhà bán lẻ và các điểm bán, việc đặt hàng, kiểm soát và phản hồi về số lượng và chất lượng hàng tồn kho, kế hoạch đặt hàng… hoàn toàn có thể được chủ động. Một ứng dụng cho từng chủ cửa hàng, hỗ trợ tự lập và đặt đơn hàng qua smartphone cũng đã được phát triển thành công; giúp đối tác theo dõi tình trạng đơn hàng cũng như cập nhật theo thời gian thực sản phẩm mới, giá bán, điểm thưởng cũng như các chương trình hỗ trợ bán hàng qua điện thoại di động…
Kênh bán lẻ truyền thống vẫn đóng góp lớn vào hệ thống phân phối tại Việt Nam, song đứng trước yêu cầu cần được hiện đại hóa.
Đối với nhà sản xuất, việc đơn hàng của người bán lẻ được cập nhật thẳng lên hệ thống ERP của doanh nghiệp không những giúp giảm thời gian đưa hàng hóa đến nơi có nhu cầu mà còn giúp họ theo dõi tức thời tình trạng hàng hóa của mình trên thị trường, minh bạch hóa các thông tin về hoạt động bán hàng. Trong khi đó, nhân viên giao hàng cũng được cập nhật đầy đủ các thông tin về sản phẩm, các chương trình, có kết nối chặt chẽ với nhà sản xuất và nhà bán lẻ để tăng hiệu quả. “Những giải pháp này sẽ giúp khách hàng của chúng tôi được chăm sóc tối đa, được phục vụ ở bất cứ nơi đâu trong thời gian ngắn nhất và tiết kiệm được nhiều loại chi phí như lưu kho, đổi trả và giúp gia tăng cơ hội bán hàng…”, ông Trần Đức Tuyển tin tưởng.
Theo lãnh đạo công ty, PAN CG kỳ vọng tăng độ phủ của hệ thống ít nhất 20%/năm, trước hết hướng tới việc phân phối các sản phẩm thuần Việt, có chất lượng cao; mang lại cơ hội tiếp cận, tiêu dùng các sản phẩm tốt cho đại đa số người Việt cũng như phục vụ xuất khẩu. Giai đoạn tiếp theo sẽ mở rộng phân phối các sản phẩm từ nhà cung cấp khác có cùng tầm nhìn và phù hợp với tiêu chuẩn chất lượng được The PAN Group đặt nền móng. Công ty cũng có hệ thống kho vận trải dài từ Bắc tới Nam, bao gồm các kho mát với tiêu chuẩn chất lượng được quản lý ngặt nghèo, giúp bảo quản chất lượng hàng hóa và an toàn thực phẩm ở mức cao nhất.
Theo: NDH