Bài viết

Giáo dục - Dữ liệu lớn - Cách thức quản trị quan hệ khách hàng thế hệ mới

Bắt đầu buổi hội thảo "Dữ liệu lớn: Sự tiến hoá hay cuộc cách mạng - Quản trị QHKH thế hệ mới", Tiến sĩ Uday Kulkarni khiến mọi người ngạc nhiên khi thốt lên: “Big Data có ở khắp nơi trên thế giới, người ta liên tục nói về nó và chính tôi cũng phát ốm lên vì nó”.

Tiến sĩ Uday Kulkarni -Giáo sư thỉnh giảng Chương trình ThS QTKD cấp cao Việt Nam, ĐH Hawaii (VEMBA)

Tuy nhiên, bằng những phân tích và các ví dụ kinh doanh thành công tại Hội thảo được tổ chức bởi CSC Việt Nam và VEMBA, GS. Uday Kulkarini - Giáo sư thỉnh giảng Chương trình ThS QTKD cấp cao Việt Nam, ĐH Hawaii (VEMBA) đã dần chứng minh dữ liệu lớn sẽ là con đường duy nhất mà các thế hệ tiếp theo giải quyết các vấn đề từ đói nghèo, bệnh tật, hay thiếu năng lượng, điện và cả việc trái đất nóng lên - giống như nhận xét của Kenneth Cukier, một cựu biên tập viên chuyên về công nghệ của tạp chí The Economist.

So sánh mối tương đồng giữa thông tin và nguồn nước, GS. cho thấy thông tin không ngừng phát triển, giống như chúng ta không thể ngăn những cơn mưa tiếp tục tạo ra nước. Nếu như nguồn nước trên thế giới là khổng lồ thì nước ngọt chỉ là 3%, và trong số nước ngọt này, có tới 87% nằm trong các sông băng. Thông tin cũng vậy, chỉ có một lượng ít thông tin được thu thập và mang lại giá trị.

GS. Uday đưa ra các ví dụ về sự ảnh hưởng của Dữ liệu lớn và việc phân tích dữ liệu đang ảnh hưởng tới mỗi ngành nghề trên thế giới. Sự ảnh hưởng của việc phân tích dữ liệu lớn nhất là mối quan hệ của doanh nghiệp với khách hàng thông qua quản trị mối quan hệ khách hàng (CRM – Customer Relationship Management).

Trong một mô hình kinh doanh thành công, doanh nghiệp hướng tới giá trị của khách hàng, tạo ra giá trị cho khách hàng và khiến khách hàng trả tiền. Việc các doanh nghiệp sử dụng dữ liệu lớn để phân tích giá trị khách hàng nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng tốt hơn và trong tương lai khiến khách hàng phụ thuộc vào sản phẩm/dịch vụ của mình.

GS. lấy ví dụ từ những ngành công nghiệp như công ty thiết bị điện General Electrics lắp cảm biến để giúp khách hàng bằng cách giám sát các thiết bị máy móc nhằm giảm chi phí bảo trì; Climate Corp lắp thiết bị đo các yếu tố thời tiết để bán dữ liệu cho các doanh nghiệp bảo hiểm, bởi lẽ việc dự đoán đúng hơn các xác suất thiên tai tự nhiên sẽ giúp doanh nghiệp bảo hiểm kinh doanh tốt hơn, đến ngành bán lẻ như Macy’s nghiên cứu các mặt hàng không được ưa thích nhằm tối ưu sắp đặt hàng hóa trên kệ bán…

Lấy ví dụ từ chính trải nghiệm cá nhân, GS. Uday chia sẻ khi ông mua một chiếc máy in HP, đăng nhập thông tin vào mạng dữ liệu thì khi máy in gần hết mực, hãng lập tức gửi email cho ông đề nghị mua mực máy in với giá ưu đãi. Đây là một điểm mà GS. chưa thấy có ở các hãng khác.

Bên cạnh những tác động tới CRM hiện nay, Dữ liệu lớn cũng có những điểm không tốt. Ngoài ảnh hưởng tới vấn đề riêng tư của người dùng như đã được cảnh báo liên tục, việc thu thập và phân tích dữ liệu lớn sẽ thay thế công việc của các chuyên viên phân tích, tư vấn. Dữ liệu lớn do đó cần được kiểm soát ở mức độ tạo tác động tích cực – GS. Uday Kulkarni kết luận.

TS. Uday Kulkarni là Giáo sư Hệ thống thông tin thuộc ĐH Arizona, Hoa Kỳ. Ông là sáng lập viên kiêm giám đốc của hai chương trình Thạc sĩ về Quản trị thông tin và Thạc sĩ về Phân tích dữ liệu kinh doanh của ĐH Arizona. Ông có hơn 30 năm dạy và làm việc trong lĩnh vực quản lý hệ thống dữ liệu, phân tích thông tin và quản trị hệ thống.

CSC Edu (www.cscvietnam.com) mang đến giải pháp về đào tạo tại chỗ, trực tuyến và tư vấn quản lý cho khách hàng khối doanh nghiệp. Giải pháp của CSC Edu được xây dựng dựa trên đặc thù doanh nghiệp, mang lại lợi ích từ việc kết hợp tri thức quản lý, nguồn nhân lực quốc tế và kinh nghiệm thực tiễn tại Việt Nam. CSC Edu hợp tác với trường Đại học Hawaii, Hoa Kỳ và trường Đại học Ngoại Thương, Hà Nội triển khai chương trình ThS QTKD cấp cao Việt Nam của ĐH Hawaii tại Hà Nội.

Theo: ndh.vn

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: