Bài viết

Nông nghiệp - "Khi đầu tư, chúng tôi nhìn vào tương lai"

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Thị Trà My, thành viên Hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn PAN với phóng viên NNVN về chủ đề đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp ở Việt Nam.

Từ suy nghĩ nào, lãnh đạo PAN Group quyết định nhảy vào một lĩnh vực mà các nhà đầu tư cho là rủi ro nhất, trong điều kiện nền nông nghiệp Việt Nam còn quá manh mún, nhỏ bé? Tại sao PAN chọn giống cây trồng là doanh nghiệp đầu tiên trong các khoản mục đầu tư của PAN vào ngành nông nghiệp?

Cách đây 5 - 10 năm, không phải nhà đầu tư nào cũng đánh giá nông nghiệp là ngành rủi ro nhất mà là ngành tăng trưởng chậm nhất và ít có yếu tố đột phá. Vì thế, giá trị doanh nghiệp và thanh khoản ngành này thường thấp. Tuy nhiên, khi đánh giá một ngành nghề, chúng tôi không chỉ nhìn vào hiện trạng mà nhìn vào tương lai và các yếu tố tiềm năng.

Chúng tôi xác định cốt lõi của nền kinh tế Việt Nam từ trước đến nay vẫn là ngành nông nghiệp. Dù đi chậm hơn các nước khác trong khu vực nhưng về lâu dài, nông nghiệp vẫn là lợi thế so sánh của Việt Nam với nguồn lao động dồi dào, nhiều kinh nghiệm tích lũy và quỹ đất màu mỡ, nhiều vùng có khí hậu thuận lợi.

Tương quan với các nước trong khu vực, Việt Nam có thể trở thành 1 trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn trong tương lai.Nhiều năm trước, chúng tôi nhận thấy nhiều doanh nghiệp cổ phần hóa ngành nông nghiệp tiềm năng rất tốt nhưng ít nhà đầu tư quan tâm, mức độ hấp dẫn lớn nên xác định đó là cơ hội tích lũy nền tảng. Một trong số các lĩnh vực đó là giống cây trồng vì đây là gốc của ngành trồng trọt sản xuất ra các sản phẩm lương thực, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày.

Cũng chính nhờ tư duy đi trước đón đầu, PAN Group đã âm thầm rót vốn đầu tư để đầu tư chi phối những doanh nghiệp hàng đầu tronglĩnh vực giống cây trồng của Việt Nam. Xin lưu ý rằng, thời điểm hiện tại, nếu anh có rấtnhiều tiền thì cũng khó tìm ra những doanh nghiệp tốt như vậy để mua bán và sáp nhập (M&A).

Để xây dựng một công ty giống cây trồng tốt thì cần phải qua quá trình tích lũy nghiên cứu và phát triển (R&D) vài chục năm, nhưng với chiến lược của chúng tôi thì quá trình này chỉ mất khoảng 5 năm để sở hữu một nền tảng vững chắc. Không chỉ giống cây trồng mà tất cả các công ty chúng tôi mua bán và sáp nhập đều có lời ngay tại thời điểm đầu tư.

PAN đã cơ bản nắm ngành giống cây trồng Việt Nam với 2 doanh nghiệp hàng đầu là NSC và SSC. Danh mục đầu tư của PAN đã có thêm một số ngành hàng khác như điều, hải sản... Mục tiêu của PAN là khép kín chuỗi ngành hàng nông sản theo phương thức “từ trang trại đến bàn ăn”. Tuy nhiên nhiều nhà đầu tư đã đi theo con đường này mà kết quả thu được chưa thật rõ ràng.

Lãnh đạo tập đoàn đang đặt niềm tin lớn về chủ trương đầu tư theo chuỗi. Bà có thể chia sẻ cụ thể hơn?

PAN nhận thức được rằng, vệ sinh an toàn thực phẩm đang là vấn đề nhức nhối không chỉ ở Việt Nam mà trên phạm vi toàn thế giới. Ai cũng muốn ăn những thực phẩm an toàn, nhưng nhiều người không biết mua ở đâu và làm thế nào để kiểm chứng.

Để sản phẩm của PAN đến được đông đảo người tiêu dùng, chúng tôi chủ đích sản xuất lương thực, thực phẩm phẩm an toàn, tốt cho sức khỏe và phân phối theo kênh riêng biệt, không nhất thiết phải là thực phẩm hữu cơ (chỉ bán trong siêu thị, hướng tới số ít người tiêu dùng).

Đối tượng phục vụ của PAN là những ngườiquan tâm đến thực phẩm an toàn, chất lượng và có thể truy xuất nguồn gốc.Không quan trọng họ giàu hay nghèo. Vì người ít tiền không có nghĩa là họ không dám mua hàng chất lượng. Và, không phải người giàu nào cũng tiêu dùng nhiều sản phẩm của chúng tôi, bởi họ không có nhiều thời gian vào bếp mà ăn uống ở nhà hàng, khách sạn…

Hiện nay, thu nhập của người dân phân bổ cho tiêu dùng thực phẩm không quá lớn. Họ chi tiền vào những cái khác nhiều hơn (công nghệ, giải trí, du lịch, giáo dục, y tế…). Người ta sẵn sàng bỏ 10.000 đồng mua 1 mớ rau an toàn thay vì tiết kiệm 5.000 đồng để tha về một mớ rau không có nguồn gốc xuất xứ.

Đối với mặt hàng gạo cũng vậy, ngày xưa người ta ăn 3 – 4 bát cơm, nhưng giờ chỉ ăn 2 bát và bổ sung những dưỡng chất khác. Thế nên mức chênh lệch giá giữa gạo bán ngoài chợ với gạo túi bày trên các kệ hàng cũng không ảnh hưởng quá nhiều tới hầu bao của những người biết quý trọng sức khỏe.

Chúng tôi có ưu thế rất lớn là đang sở hữu những doanh nghiệp tốt trong lĩnh vực sản xuất giống cây trồng và chế biến. Bản thân các doanh nghiệp này đã nắm những mắt xích nhất định trong chuỗi cung ứng khép kín “từ trang trại đến bàn ăn” nên nhiệm vụ còn lại của chúng tôi là bổ sung thêm một vài điểm khiếm khuyết để chuỗi này được hoàn thiện.

Hiện Cty CP Thực phẩm PAN (PanFood) đang trực tiếp chỉ đạo xây dựng kênh phân phối của mình. Quá trình này phải mất từ 3 – 5 năm sẽ hoàn tất. Khi chúng tôi đã có sản phẩm tốt, kênh phân phối tốt thì chắc chắn sẽ chiếm lĩnh được thị trường.

Tôi tin tưởng là về lâu dài, chỉ các doanh nghiệp có khả năng phát triển chuỗi cung ứng khép kín mới có thể giữ được tốc độ tăng trưởng dài hạn và sở hữu các thương hiệu quốc gia, có khả năng vươn ra cạnh tranh với các doanh nghiệp khác trong khu vực và thế giới như C.P của Thái Lan hay Indo Foods của Indonesia.

Được biết, gạo sạch là mặt hàng đầu tiên PAN Group lựa chọn để xây dựng chuỗi cung ứng khép kín. Và sản phẩm gạo Ban Mai chính là “đứa con đầu lòng”. Chúng tôi muốn biết về quá trình xây dựng vùng nguyên liệu, phát triển thương hiệu, tìm đầu ra cho sản phẩm của PAN?

Khi tham gia vào mảng lúa gạo (và tương lai còn có thêm rau và hoa), cách tiếp cận của PAN cũng giống như người Nhật. Đó là làm nhỏ, đảm bảo chất lượng, được người tiêu dùng chấp nhận thì mới từng bước phát triển quy mô và quảng bá thương hiệu. Tức là chúng tôi có hướng đi bền vững.

Những công ty mà PAN sở hữu đang nắm giữ bản quyền nhiều giống lúa chất lượng tốt. Họ cũng có đội ngũ chuyên gia giỏi, biết đem những hạt giống của mình gieo ở vùng đất nào, chăm sóc ra sao để tạo ra hạt gạo ngon nhất.

Riêng với gạo Ban Mai (sử dụng giống RVT) được sản xuất ở vùng Đồng Tháp Mười là ngon nhất nên được người tiêu dùng ưa thích. Và thực tế, năng lực sản xuất của chúng tôi hiện không đủ cung ứng cho thị trường.

Nhưng tôi muốn nhấn mạnh rằng, chiến lược của PAN là hướng tới phục vụ đông đảo người tiêu dùng. Vì thế, chúng tôi muốn tạo ra nhiều dòng sản phẩm gạo khác nhau, bán ở những phân khúc thị trường khác nhau. Và khi bước vào một cửa hàng của PAN, người ít tiền cũng có thể mua được gạo sạch.

Sắp tới, chúng tôi sẽ cho ra mắt thêm sản phẩm gạo Thượng Hạng với mức giá thấp hơn gạo Ban Mai một chút. Chất lượng và cách làm thương hiệu gạo Thượng Hạng cũng sẽ khác so với Ban Mai.

Ở Việt Nam, tỷ lệ gạo sáo vẫn chiếm tới 80% trên thị trường. Nhiệm vụ của chúng tôi là phải thay một phần tỷ lệ gạo sáo đó bằng gạo đóng gói. Bởi chỉ khi hạt gạo được đóng gói thì mới xây dựng được thương hiệu của sản phẩm để tạo nên giá trị gia tăng cao.

Sau khi M&A các doanh nghiệp nông nghiệp, PAN có một chủ trương khác các nhà đầu tư khác là không trực tiếp điều hành doanh nghiệp. Thay vào đó sử dụng bộ máy của doanh nghiệp cũ, PAN rót vốn, giúp doanh nghiệp khâu quản trị, nâng cao sức cạnh tranh…Từ đó lợi nhuận doanh nghiệp tăng lên rõ rệt, và điều quan trọng hơn là tận dụng được trí tuệ nguồn nhân lực nông nghiệp. Phải chăng đây là chủ trương, chiến lược của PAN?

Đây là chiến lược của chúng tôi vì khi M&A một doanh nghiệp, chủ trương ngay từ đầu của chúng tôi là phải chọn các doanh nghiệp tốt. Nếu đã có một doanh nghiệp tốt thì tại sao chúng tôi phải thay đổi bộ máy quản trị doanh nghiệp?

Thay vào đó, chúng tôi giúp họ tăng năng lực tài chính, giới thiệu và đưa vào các đối tác có uy tín, cùng hoạch định lại chiến lược kinh doanh, nghiên cứu thị trường, phát triển kênh phân phối … để các công ty khai thác hết các tiềm năng, tăng trưởng và phát triển.

Với một cơ chế hoạt động linh hoạt hơn sau khi chúng tôi đầu tư, các doanh nghiệp sẽ có cơ hội phát huy nội lực, cùng chia sẻ lợi nhuận và thành công; bản thân người lao động cũng có động lực để cống hiến vì sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.Quan điểm của chúng tôi rất rõ, con người mới là tài sản quan trọng nhất.

Điểm yếu và thiếu của nông nghiệp Việt Nam đã rõ - vốn, công nghệ và phương thức SX. Những điểm yếu này đang được cải thiện dần. PAN có đánh giá gì về nền nông nghiệp Việt Nam trong thời gian tới? Theo bà, nếu đầu tư vào nông nghiệp tới đây thì dự kiến những ngành hàng nào nhà đầu tư nên hướng tới?

Nông nghiệp Việt Nam sẽ ngày càng phát triển và sẽ còn thay đổi rất mạnh trong tương lai khi ứng dụng công nghệ cao và thay đổi phương thức sản xuất phù hợp với xu hướng chung của thế giới.Tuy nhiên, đây chỉ là 2 yếu tố quan trọng, là điều kiện cần chứ không phải đủ để thay đổi nền nông nghiệp Việt Nam. Các yếu tố khác như thị trường, khả năng đầu tư, hiệu quả đầu tư, chất lượng nguồn nhân lực,… cũng đóng vai trò tiên quyết.

Khi áp dụng công nghệ cao thì mức độ ảnh hưởng của các yếu tố tự nhiên đối với ngành nông nghiệp sẽ giảm đi nên mức độ rủi ro cũng giảm theo. Hiện nay trên thế giới, nông nghiệp được xếp vào nhóm ngành bảo thủ, tức là nhóm ngành ít rủi ro hơn do gắn liền với nhu cầu thiết yếu.Tuy nhiên, ngành nào cũng có những doanh nghiệp tốt và không tốt tùy vào chiến lược phát triển của doanh nghiệp và nền tảng mà doanh nghiệp đó xây dựng được.

Nhưng theo tôi, các doanh nghiệp trong ngành nông nghiệp có nền tảng R&D tốt, hệ thống quản trị tốt và thị trường tiêu thụ đủ lớn, ổn định sẽ có lợi thế rất lớn về tăng trưởng và quy mô trong 5 - 10 năm tới.

Xin cảm ơn bà!

Hoàng Kiều - Nông Nghiệp Việt Nam

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: