Bài viết

Nông nghiệp - Giúp nông dân trồng hoa xuất sang Nhật Bản

Không cạnh tranh trực tiếp với nông dân, mà sẽ hợp tác và đào tạo nông dân để họ có thể sản xuất và bán được sản phẩm của mình với giá tốt. Đó là tâm nguyện của bà Nguyễn Thị Trà My, Phó chủ tịch Tập đoàn PAN, Chủ tịch Công ty PAN-SALADBOWL khi nói về dự án trồng hoa cúc tại Đà Lạt để xuất khẩu. Tháng 6/2016, hoa cúc của PAN-SALADBOWL sẽ có mặt tại Nhật, hiện thực hóa ý niệm kinh doanh gắn với cái đẹp, gắn với khát vọng giúp sức người nông dân và cải tạo ngành nông nghiệp nước nhà.

Bà Trà My trên trang nhất báo Đầu tư Chứng khoán, ngày 3/6/2016

 

Vì sao PAN-SALADBOWL lại đầu tư trồng hoa, sản phẩm mà lâu nay vẫn theo quy luật “được mùa rớt giá” và việc bảo quản gặp rất nhiều khó khăn, thưa bà?

Với khát vọng đưa nông nghiệp và thực phẩm có chung một ngôn ngữ dưới cùng một mái nhà, PAN-SALADBOWL đặt ra sứ mệnh phát triển và nâng cao vị thế nền nông nghiệp Việt Nam bằng cách cung cấp các sản phẩm chất lượng cao, nguồn gốc uy tín trong chuỗi giá trị hoàn chỉnh. Dự án trồng hoa cúc là bước đầu tiên PAN-SALADBOWL tham gia vào lĩnh vực sản xuất hoa và rau với sự tham gia góp vốn của đối tác Nhật Bản, trong đó PAN chiếm tỷ lệ chi phối.

Trong lĩnh vực này, PAN-SALADBOWL có định hướng phát triển riêng, thông qua việc đầu tư các sản phẩm có chất lượng cao, đáp ứng phân khúc thị trường hiện nay đang rất thiếu. Đó là phân  phúc cao cấp phục vụ xuất khẩu, do đó, hạn chế được việc cạnh tranh phá giá trong tương lai.

Trong giai đoạn đầu, PAN-SALADBOWL dự kiến 100% sản phẩm hoa cúc và sau đó là hoa cẩm chướng sẽ  xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản với sự tham gia sản xuất trực tiếp của các chuyên gia hàng đầu Nhật Bản trong lĩnh vực này. Do đó, các sản phẩm đầu ra của PAN có chất lượng khác biệt, và giá bán cũng cao hơn nhiều so với các công ty trong nước hoặc một số công ty đang xuất khẩu hoa khác.

Phương châm của chúng tôi là không cạnh tranh trực tiếp với nông dân, do ở phân khúc sản phẩm khác, nên sẽ không gặp vấn đề "được mùa mất giá". Trái lại, một trong các định hướng của PAN là hợp tác và đào tạo nông dân để họ có thể bán được sản phẩm của mình với giá ngày càng cao hơn, góp phần phát triển sản phẩm ở phân khúc có giá trị cao.

 

Quy mô của dự án trồng hoa tại Đà Lạt ra sao, thưa bà?

Trong sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, hướng đến nhóm sản phẩm phân khúc cao cấp, thông thường, các doanh nghiệp không sản xuất trên quy mô lớn ngay, mà tập trung vào việc thử nghiệm và đào tạo đội ngũ kỹ thuật. Vì vậy, mặc dù về quy mô sản xuất, PAN có thể đầu tư lớn ngay từ đầu, nhưng chúng tôi đã thống nhất với đối tác Nhật triển khai thận trọng trong thời gian đầu, chỉ với 5 héc-ta nhà kính hiện đại tại Đà Lạt.

Tuy nhiên, sau giai đoạn thử nghiệm, PAN-SALADBOWL dự kiến sẽ tăng quy mô rất nhanh lên khoảng 100 - 200 héc-ta sau 5 năm, bao gồm cả diện tích liên kết với nông dân.

Về quy mô vốn đầu tư, do tập trung vào phân khúc cao cấp nên trong vòng 5 năm tới, tổng số vốn đầu tư của PAN có thể đạt tới 30 - 50 triệu USD. Bên cạnh đó, do khả năng tối ưu hoá công nghệ thông qua việc lựa chọn nhà thầu và được sự hỗ trợ của các chuyên gia hàng đầu nên chi phí đầu tư của dự án có khả năng sẽ thấp hơn nhiều so với các công ty tương tự để đạt được hiệu quả kinh tế cao.

 

Sản phẩm hoa của PAN-SALADBOWL hướng đến những thị trường nào?

Trong giai đoạn đầu của dự án, sản phẩm hoa sẽ xuất khẩu 100% sang thị trường Nhật Bản, thị trường khó tính nhất thế giới, đảm bảo cho PAN có thể xuất khẩu sang bất kỳ thị trường nào khác trong tương lai khi tăng quy mô về sản lượng. Hiện nay, chúng tôi cũng đang có nhiều đối tác nước ngoài khác đặt vấn đề cung cấp sản phẩm hoa cao cấp, đồng thời cũng nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường nội địa.

 

Theo thống kê, Đà Lạt hiện có khoảng gần 7.600 héc-ta đất trồng hoa, cung cấp cho thị trường hàng năm 2,3 tỷ cành và đã có nhiều nhà đầu tư đi trước rất thành công… Đâu là cơ sở để PAN tự tin cạnh tranh với các đối thủ đã có thương hiệu vững chắc trên thị trường hoa xuất khẩu của Việt Nam như Đà Lạt Hasfarm?

Hiện nay, diện tích trồng hoa của Đà Lạt rất lớn với sản lượng không nhỏ, nhưng chủ yếu tập trung vào phân khúc cấp thấp và cấp trung, trong khi định hướng phân khúc khách hàng của chúng tôi là khác biệt như đã nêu ở trên. Và theo như chúng tôi đánh giá thì hiện nay có rất ít công ty xuất khẩu hoa thành công như Đà Lạt Hasfarm. Nhìn chung, thị trường xuất khẩu đòi hỏi sản phẩm có chất lượng rất cao, mà nông dân và các công ty khác chưa đáp ứng được. Thực tế, với diện tích sản xuất của năm 2016, chúng tôi mới đáp ứng được rất ít sản lượng yêu cầu của khách hàng bên Nhật.

 

Vì sao PAN-SALADBOWL lại chọn hoa cúc, thưa bà? Được biết, TP. Đà Lạt hiện đã có khoảng 2.500 héc-ta trồng hoa cúc các loại và với việc sản lượng hoa cúc tăng 15% hàng năm, giá hoa đã rớt từ 3.000-4.000 đồng/cành những năm 2003 về 1.000 đồng/cành hiện nay?

Sở dĩ chúng tôi chọn hoa cúc vì đây là loài hoa được người Nhật rất yêu thích, là quốc hoa của Nhật Bản. Hoa cúc hiện đang chiếm 37% tỷ trọng thị trường nhập khẩu hoa của Nhật Bản, trong khi hoa cẩm chướng là 9% và hoa hồng là 8%. Phương châm kinh doanh của chúng tôi là sản xuất những gì thị trường cần, chứ không phải sản xuất những gì chúng tôi muốn.

Đồng thời hoa cúc cũng là thế mạnh của đối tác Nhật Bản đang hợp tác cùng chúng tôi. Tuy nhiên, trong  ngắn hạn, chúng tôi sẽ tiếp tục phát triển sang các dòng hoa khác với sự hỗ trợ của các chuyên gia kỹ thuật hàng đầu của Nhật Bản, nên đây chỉ là bước đầu tiên trong tổng thể chiến lược của chúng tôi.

 

Lâm Đồng là vùng trồng hoa lớn nhất cả nước và được biết, hai huyện Đức Trọng, Đơn Dương có điều kiện khí hậu cực kỳ tốt để phát triển cây hoa. Vì sao PAN lại chọn đầu tư vào huyện Lâm Hà?

Sở dĩ huyện Lâm Hà không được nhiều nhà đầu tư lựa chọn sản xuất hoa vì nhiều công ty chưa đủ khả năng kỹ thuật để sản xuất được dòng hoa cao cấp trong điều kiện khí hậu nóng hơn các khu vực khác như Đà Lạt, Đức Trọng hay Đơn Dương.

Tuy vậy, Lâm Hà lại là nơi có diện tích đất trên quy mô lớn bằng phẳng hơn, thuận tiện cho việc áp dụng cơ giới hoá vào trồng trọt. Và quan trọng nhất là đối tác Nhật Bản của chúng tôi đã có giải pháp đặc biệt để đối phó với khí hậu nóng. Bản thân họ cũng vẫn sản xuất được hoa cúc tại Nhật Bản vào mùa hè nắng nóng. Đây cũng là bí quyết công nghệ giúp PAN-SALADBOWL có thể sản xuất được nhiều dòng sản phẩm hoa cao cấp ở các điều kiện khí hậu khác nhau sau này.

 

Dự kiến khi nào sản phẩm hoa của PAN sẽ có mặt trên thị trường? Tham vọng của PAN với mảng trồng hoa ra sao trong tương lai?

Chúng tôi sẽ bắt đầu xuất khẩu hoa từ tháng 6/2016. Với các thế mạnh của PAN và các đối tác hàng đầu Nhật Bản, tham vọng của PAN thông qua công ty PAN-SALADBOWL là trở thành doanh nghiệp Việt Nam có chất lượng hàng đầu châu Á. Tôi kỳ vọng sự hợp tác này của PAN và đối tác Nhật Bản sẽ góp phần tạo nên một thế hệ doanh nghiệp làm nông nghiệp mới của Việt Nam.

 

Vì một cuộc sống đẹp tươi.

Nếu như ở Việt Nam, hoa cúc gắn liền với lòng hiếu thảo của con cái với cha mẹ, thì ở Nhật Bản, sự tích hoa cúc liên quan đến hai vị thần khai sáng trái đất là ông Izanagi và bà Izanami. Hoa cúc về sau trở thành biểu tượng của đế vương, sự quyền quý cao sang và giàu có.

Chọn kinh doanh hoa cúc, với doanh nhân Nguyễn Thị Trà My, như một mối nhân duyên. Trong chuyến công tác Nhật Bản vào cuối năm ngoái, bà My gặp một nghệ nhân người Nhật, ông Matsuo. Ông Matsuo sinh ra trong gia đình có 4 đời trồng hoa và đam mê hoa đến mức ông quyết định sang Việt Nam, chọn miền đất Đà Lạt để phát triển sự nghiệp.

Đam mê kinh doanh doanh gắn với cái đẹp, gắn với những giá trị nhân văn trải rộng từ doanh nghiệp đến người nông dân và xã hội đã khiến câu chuyện của Matsuo và bà My trở nên tương hợp ngay từ lần gặp ban đầu. Sau một thời gian tìm hiểu, Matsuo quyết định đầu quân về PAN-SALADBOWL, quyết định đóng góp kinh nghiệm, kỹ năng và cả thị trường tiêu thụ hoa tại Nhật Bản vào một doanh nghiệp Việt, ở đó có những giá trị cộng hưởng để giúp Matsuo nâng tầm sức sáng tạo, phát triển đam mê kinh doanh, mang đến cho đời nhiều hơn nữa những sắc hoa tươi đẹp.

 “Đời vẫn nghĩ người mang sứ mệnh

Nhưng thật ra sứ mệnh chọn người

Vì một cuộc sống đẹp tươi

Cho người hiện tại, cho đời mai sau…”

PAN-SALADBOWL - nơi có doanh nhân Trà My và nghệ nhân Matsuo - đang viết câu chuyện về con đường đưa hoa Việt Nam ra thế giới, thực hiện sứ mệnh vì một cuộc sống đẹp hơn...

 

Nguồn: Báo Đầu tư Chứng khoán, số 67(1718), ngày 3/6/2016

 

"Bà Nguyễn Thị Trà My là Sáng lập viên/Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP CSC Việt Nam. Trước khi thành lập Công ty riêng, bà đã có 18 năm làm việc ở vị trí Giám đốc Tài chính và hiện là cố vấn cấp cao của Biomin Việt Nam – một tập đoàn nông nghiệp toàn cầu. Với đam mê dành cho phát triển bền vững, bà chú trọng đầu tư đặc biệt tới lĩnh vực Nông nghiệp và Giáo dục.

Bà Trà My hiện là thành viên hội đồng quản trị của nhiều công ty nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, có thể kể tên như tập đoàn The PAN Group, CTCP Giống cây trồng trung ương, CTCP Thuỷ sản Bến Tre. CSC Việt Nam là đối tác tài chính và marketing của chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh Cấp cao Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hawaii Manoa, Hoa Kỳ - chương trình duy nhất tại Việt Nam được kiểm định và chứng nhận bởi AACSB."

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: