Bài viết

Nông nghiệp - Nâng cao an toàn thực phẩm và hiệu quả sản xuất bằng phương pháp chăn nuôi tốt

CSC Việt Nam chọn đầu tư vào nông nghiệp như một mũi nhọn với việc nắm giữ cổ phần tại các công ty nông nghiệp hàng đầu Việt Nam như Tập đoàn The PAN Group, CTCP Công nghệ sinh học Mùa Xuân (BioSpring), CTCP Giống cây trồng Trung Ương, CTCP Thuỷ sản Bến Tre,…

 

Từ năm 2010 đến năm 2015 Dự án Năng lực Cạnh tranh Ngành Chăn nuôi và An toàn Thực phẩm đã thực hiện áp dụng các Phương pháp Chăn nuôi Tốt (GAHP) cho các hộ sản xuất chăn nuôi nhỏ. Dự án đã giúp tăng cường an ninh sinh học, nâng cấp các lò giết mổ nhỏ và tăng cường vệ sinh tại các khu chợ ẩm thấp, qua đó góp phần đáng kể vào hiệu quả sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh và an toàn thực phẩm trong chuỗi giá trị chăn nuôi lợn và gà.

 

Thách thức

Chăn nuôi lợn và gà tại các hộ gia đình Việt Nam còn một số tồn tại. Vấn đề chính ở đây là mức đầu tư thấp, quy mô đàn nhỏ, vật tư đầu vào ít, chất lượng con giống thấp và mức độ mắc bệnh và tỉ lệ tử vong cao. Các vấn đề trên cùng với thị trường nhỏ và rủi ro cao đã dẫn đến tốc độ quay vòng sản xuất thấp và lợi nhuận thấp.

Trong khi đó thì các cơ sở giết mổ có quy mô nhỏ, không được đầu tư thích đáng, không quan tâm đến quản lý chất thải, điều kiện vệ sinh an toàn kém, công suất và năng suất đều thấp.

Thịt sống bán ngoài chợ thường có chất lượng thấp, và cơ sở vật chất ở chợ thường yếu kém. Các chợ trong khu vực đô thị thường chật hẹp, điều kiện thông gió kém, dịch vụ vệ sinh kém (tủ bày hàng, cấp nước, cấp điện), hệ thống xử lý chất thải kém và lối ra vào cho khách cũng chật hẹp.

 

Giải pháp

Dự án đã áp dụng cách tiếp cận tổng thể và đồng bộ chuỗi thực phẩm “từ nông trại tới bàn ăn” hoặc “từ nhà sản xuất tới người tiêu dùng” để giải quyết các vấn đề liên quan lẫn nhau như năng lực cạnh tranh chăn nuôi, an toàn thực phẩm và bền vững môi trường.

 

Một số sản phẩm nông nghiệp sạch của The Pan Group

 

Dự án thúc đẩy áp dụng các Phương pháp Chăn nuôi Tốt tại các khu chăn nuôi sẵn có thông qua tập huấn nông dân, cán bộ khuyến nông, cán bộ chăn nuôi, cán bộ thú y về áp dụng Phương pháp Chăn nuôi Tốt, ví dụ về công nghệ chế biến thức ăn gia súc, chủ động phòng tránh dịch bệnh. Dự án cũng giúp các nhóm sản xuất củng cố vị thế đàm phán nhằm giảm chi phí thức ăn và tăng cường tiếp cận thị trường; cung cấp dụng cụ giúp tăng cường dịch vụ chăn nuôi cấp tỉnh và cấp huyện, ví dụ phòng tránh và theo dõi dịch bệnh, hỗ trợ quản lý chất thải và đầu tư vào an ninh sinh học tại trang trại.

Dự án đã thực hiện thí điểm Qui hoạch vùng chăn nuôi nhằm tăng cường năng lực cạnh tranh và an toàn, nâng cấp cơ sở giết mổ và chợ bán thịt nhằm tăng cường công đoạn giết mổ và tăng cường mối liên kết giữa thị trường với hộ sản xuất.

Dự án cũng hỗ trợ nâng cao năng lực cho Cục Chăn nuôi trong quá trình lập chính sách, tăng cường hỗ trợ cho các tỉnh trong công tác thanh tra, kiểm tra và giám sát dịch bệnh.

 

Kết quả

Phương pháp Chăn nuôi Tốt đã chứng tỏ hiệu quả giúp nâng cao năng suất chăn nuôi, sản lượng và thu nhập hộ gia đình. Kết quả cụ thể là:

  • Tỉ lệ tử vong lợn và gà đã giảm lần lượt từ 15% xuống còn 11,8% và từ 41% xuống còn 33%, qua đó đã làm tăng sản lượng và thu nhập của cơ sở sản xuất.
  • Thời gian vỗ béo lợn và gà đã giảm lần lượt từ 136 ngày xuống còn 118 ngày và từ 66 ngày xuống còn 58 ngày, qua đó giúp giảm chi phí thức ăn và tăng cường quay vòng sản xuất.
  • Qui mô đàn lợn tăng 25% và gà tăng 46% qua đó giúp tăng sản lượng và lợi nhuận.

Dự án cũng giải quyết thành công các vấn đề môi trường trong chăn nuôi, giết mổ và buôn bán lợn và gà. Sau 5 năm hoạt động, dự án đem lại lợi ích cho 105.000 người, trong đó có nông dân ở 43 khu chăn nuôi sử dụng Phương pháp Chăn nuôi Tốt, có cán bộ khuyên nông và thú y địa phương, hộ kinh doanh thịt và các chủ lò mổ, trong đó hơn 47% là phụ nữ. Dự án đã hỗ trợ:

  • 10.791 hộ gia đình cải tiến hệ thống xử lý chất thải và áp dụng các phương pháp chăn nuôi tốt.
  • 43 cơ sở giết mổ cỡ trung bình và lớn lắp đặt hệ thống xử lý chất thải và phương pháp quản lý đạt chuẩn quốc gia.
  • 197 cơ sở giết mổ loại nhỏ cải tiến hệ thống xử lý và phương pháp quản lý chất thải.
  • 381 khu chợ ẩm thấp nâng cấp cơ sở vật chất quản lý chất thải đạt chuẩn môi trường quốc gia.

Dự án cũng đóng góp nhiều vào nâng cao an toàn thực phẩm vì quyền lợi người tiêu dùng, ví dụ giúp 197 cơ sở giết mổ loại nhỏ nâng cao an toàn sản phẩm thịt. Kết quả đã thể hiện tốt qua các lầm kiểm nghiệm và kiểm tra vi trùng. 43 cơ sở giết mổ cỡ vừa và lớn cũng được nâng cấp cơ sở xử lý và bán thịt đạt chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia.

"Ba năm trước, gia đình tôi đầu tư ngót nghét 1 tỉ đồng xây chuồng trại khép kín để nuôi gà siêu trứng. Nhờ có dự án nên vợ chồng tôi thường xuyên được đi tập huấn, thăm quan các điển hình chăn nuôi giỏi, học hỏi, tìm hiểu thêm những kỹ thuật chăn nuôi mới. Mới chỉ hoạt động non nửa công suất song đàn gà của nhà hiện đã có 2000 gà mái với tỉ lệ đẻ trung bình khoảng 90%, mỗi ngày thu hoạch gần 1.800 quả trứng. Giá trứng hiện nay thu mua tại nhà là 2.000 đồng, sau khi trừ chi phí anh chị lãi gần 1.000 đồng/quả. Tính sơ sơ 1 tháng đàn gà mang về cho chúng tôi 50 triệu đồng. Sang năm, vợ chồng tôi tính sẽ mở rộng đàn lên 5.000 con để tận dụng tối đa công suất chuồng trại."

Anh Nguyễn Chí Lộc và chị Phạm Thị Lệ - Nông dân, Huyện Chương Mỹ, Hà Nội

 

Đóng góp của Nhóm Ngân hàng Thế giới

Dự án được Ban Giám đốc Ngân hàng Thế giới phê chuẩn tháng 9/2009 với thời hạn kết thúc là ngày 31/12/2015 và tổng kinh phí là 79,03 triệu USD, trong đó IDA cấp 65,26 triệu USD và chính phủ Việt Nam đóng góp 13,77 triệu USD.

 

Đối tác

Dự án thực hiện thành công nhờ sự hợp tác tác với Cục Thú y và Cục Chăn nuôi, Bộ NNPTNT và các sở NNPTNT tại 12 tỉnh, thành.

 

Hướng tới tương lai

Kết quả to lớn đạt được và tác động ban đầu đã chứng tỏ sự phù hợp và hiệu quả trong cách tiếp cận dự án. Có thể đạt kết quả to lớn hơn nữa nếu nhân rộng phương pháp GAHP tới các hộ gia đình, khu chợ và cơ sở giết mổ quy mô nhỏ ngoài phạm vi 12 tỉnh tham gia dự án hiện tại.

 

Nguồn: The World Bank, IBRD - IDA, đăng ngày 14 tháng 4 Năm 2016.

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: