Bài viết

Nông nghiệp - Phó Chủ tịch The Pan Group và mối nhân duyên về hoa cúc

Trên chuyến bay Vietnam Airlines từ Đà Lạt bay về Hà Nội, Phó Chủ tịch The The Pan Group (TPG) Nguyễn Thị Trà My hào hứng soạn ngay một email gửi cho các cổ đông lớn của Tập đoàn về tiến độ xây dựng hệ thống nhà kính trồng hoa cúc trên Đà Lạt của công ty PAN-Saladbowl, một công ty con của TPG có sự tham gia góp vốn của đối tác Nhật Bản, do bà Trà My làm Chủ tịch.

 

Chỉ chưa đầy nửa năm kể từ khi đại diện của TPG tham dự cuộc họp với UBDN tỉnh Lâm Đồng để đặt vấn đề đầu tư lên Đà Lạt, đến nay hệ thống nhà kính của PAN-Saladbowll đã được khởi công xây dựng tại huyện Lâm Hà và dự kiến sẽ hoàn tất vào tháng 7 năm nay. Tháng 9 tới dự kiến PAN-Saladbowl sẽ có lô hoa cúc đầu tiên xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản.

 

Hệ thống nhà kính đã bắt đầu dần hình thành

 

Trong chuyến công tác Nhật Bản vào cuối năm ngoái, một mối nhân duyên đã giúp bà Trà My kết nối được với anh Matsuo, một kỹ sư về nông nghiệp tại Nhật Bản đã từ bỏ đất nước mặt trời mọc để sang Việt Nam lập nghiệp.

 

Câu chuyện về Matsuo rất kỳ lạ. Sinh ra trong một gia đình có 4 đời trồng hoa cúc ở Nhật Bản, anh cũng tốt nghiệp đại học ngành nông học ở Okasa, nhưng điều kiện trồng hoa ở Nhật bản không thực sự tốt. Và Matsuo đã tìm đến Đà Lạt, "thủ phủ" hoa của Việt Nam. Anh thuê lại 2ha đất cũ của nhà vườn và bắt đầu trồng hoa cúc. Hoa cúc của Matsuo không tiêu thụ ở Việt Nam mà 100% được xuất khẩu về Nhật Bản.

 

Hoa cúc được trồng đến một độ cao nhất định sẽ được xuất sang Nhật

 

Matsuo hiện nay đã trở thành Phó Tổng giám đốc phụ trách kỹ thuật của công ty PAN-Saladbowl. Sự kết hợp giữa hai niềm đam mê chung, giữa nghệ nhân có 4 đời trồng hoa, nhà khoa học và doanh nghiệp đã hội tụ điều kiện cần và đủ để đưa sự nghiệp trồng hoa cúc của Matsuo lên một tầm cao mới. Giờ đây không chỉ là vài ha mà sau này là hàng chục ha hoa cúc sẽ được chăm sóc dưới bàn tay của nghệ nhân Nhật Bản trên đất Đà Lạt.

 

Dự kiến ban đầu, PAN-Saladbowl sẽ trồng hoa cúc, sau này sẽ trồng thêm cà chua, rau sạch. Sở dĩ công ty chọn hoa cúc sở vì hoa cúc hiện nay đang chiếm 37% tỷ trọng thị trường nhập khẩu hoa của Nhật Bản, trong khi hoa cẩm chướng là 9% và hoa hồng là 8%. Theo bà Trà My, phương châm kinh doanh của TPG là sản xuất những gì thị trường cần chứ không phải sản xuất những gì công ty muốn. Đồng thời hoa cúc cũng là thế mạnh của đối tác Nhật của công ty.

 

Với 20 năm có kinh nghiệm trong ngành nông nghiệp, đã từng sang Nhật tìm hiểu về công nghệ trồng nông sản công nghệ cao của đất nước bạn, cộng thêm với kinh nghiệm lâu năm của đối tác Nhật Bản hiện tại và hệ thống công nghệ hiện đại bậc nhất nhập từ Hà Lan, Bỉ, Israel, bà Trà My hoàn toàn tự tin về đầu ra của PAN-Saladbowl. Sẽ không có cảnh được mùa mất giá, mặc dù giá hoa cúc của PAN-Saladbowl cao hơn so với mặt bằng chung nhưng khi đối tác Nhật Bản sang thăm dự án của PAN-Saladbowl, tìm hiểu về hệ thống nhà kính, các vấn đề kỹ thuật công nghệ cũng như hệ thống đê mương, họ đã chấp thuận việc ký kết thoả thuận hợp tác lâu dài. Hiện tại các đối tác Nhật Bản đã ký hợp đồng nguyên tắc với PAN-Saladbowl để nhập khẩu toàn bộ số lượng hoa cúc công ty trồng, nhu cầu của đối tác Nhật Bản lên tới cả trăm ha nhưng hiện tại công ty chỉ lên kế hoạch trồng một nửa nhu cầu đó.

 

Như vậy, thay vì phải chờ đợi 7-8 năm như các công ty khác mới có thể xuất khẩu hoa, thì ngay tháng 9 tới đây PAN-Saladbowl đã có chuyến xuất khẩu hoa sang Nhật.

 

Nhật là một thị trường khó tính bậc nhất thế giới, việc được chấp nhận ở thị trường Nhật cũng là chiếc vé thông hành cho TPG có thể xuất khẩu sang bất kỳ thị trường nào khác trong tương lai khi tăng quy mô về sản lượng. Hiện nay đã có nhiều đối tác nước ngoài khác đặt vấn đề với PAN-Saladbowl cung cấp sản phẩm hoa cao cấp đồng thời công ty cũng nhìn thấy tiềm năng rất lớn từ thị trường nội địa.

 

Kể về công tác trồng hoa của PAN-Saladbowl, bà Trà My chia sẻ: “Mọi thứ đều được chuẩn bị từng chi tiết, như mái vòm của nhà kính chúng tôi cũng nhập khẩu từ Bỉ về với 7 lớp để đảm bảo nhiệt độ các mùa được ổn định, hệ thống nhà kính hiện đại bậc nhất của Hà Lan, và hệ thống tưới tiêu và đê mương của Israel nhưng do tận dụng được các yếu tố nội tại, chúng tôi mất chi phí thấp hơn đáng kể so với thị trường”.

 

Bà Trà My và Matsuo kiểm tra việc xây dựng hệ thống đê mương nhập khẩu từ Isarel.

 

Các giống hoa đều được nhập khẩu, và được chăm sóc một các kỹ lưỡng. Khi hoa nở và đạt được chất lượng nhất định, hoa sẽ được hái, bảo quản và vận chuyển bằng đường biển sang Nhật. Với công nghệ hiện đại, hoa cúc của PAN-Saladbowl có thể tươi đến 7-8 tuần kể từ lúc hái.

 

Theo bà Trà My, các công ty nông nghiệp hiện tại quá chú ý đến phần sản xuất nhưng không chú ý đến làm thương hiệu và thị trường, dẫn đến cảnh được mùa mất giá. TPG quan tâm đến thị trường và thương hiệu nhưng nói thế không có nghĩa rằng kỹ thuật canh tác và chế biến không quan trọng. Phương châm của TPG là không cạnh tranh trực tiếp với nông dân, do ở phân khúc sản phẩm khác. Trái lại, một trong các định hướng của TPG là hợp tác và đào tạo nông dân để họ có thể bán được sản phẩm của mình với giá ngày càng cao hơn, góp phần phát triển sản phẩm ở phân khúc có giá trị cao.

 

Với các thế mạnh của TPG và các đối tác hàng đầu Nhật Bản, tham vọng của TPG thông qua công ty PAN-Saladbowl là trở thành doanh nghiệp Việt Nam sản xuất được những sản phẩm có chất lượng hàng đầu châu Á. Bà Trà My kỳ vọng sự hợp tác này của TPG và đối tác Nhật Bản sẽ góp phần tạo nên một thế hệ doanh nghiệp làm nông nghiệp mới của Việt Nam.

 

Bà Nguyễn Thị Trà My là Sáng lập viên/Chủ tịch Hội Đồng Quản Trị kiêm Tổng giám đốc Công ty CP CSC Việt Nam. Trước khi thành lập Công ty riêng, bà đã có 18 năm làm việc ở vị trí Giám đốc Tài chính và hiện là cố vấn cấp cao của Biomin Việt Nam – một tập đoàn nông nghiệp toàn cầu. Với đam mê dành cho phát triển bền vững, bà chú trọng đầu tư đặc biệt tới lĩnh vực Nông nghiệp và Giáo dục.

Bà Trà My hiện là thành viên hội đồng quản trị của nhiều công ty nông nghiệp hàng đầu Việt Nam, có thể kể tên như tập đoàn The PAN Group, CTCP Giống cây trồng trung ương, CTCP Thuỷ sản Bến Tre. CSC Việt Nam là đối tác tài chính và marketing của chương trình Thạc sỹ Quản trị Kinh doanh Cấp cao Việt Nam, Đại học Tổng hợp Hawaii Manoa, Hoa Kỳ - chương trình duy nhất tại Việt Nam được kiểm định và chứng nhận bởi AACSB.

 

Nguồn: ndh.vn

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: