PAN Farm: Chúng tôi đồng hành cùng NSC phát triển kinh doanh, không phải để tác động đến cổ phiếu
Đại hội cổ đông thường niên 2017 của CTCP Giống cây trồng Trung ương năm nay diễn ra khá sôi nổi sau khi công ty đã kết thúc 5 năm nhiệm kỳ 2012-2016 với kết quả “trong mơ”. Hầu hết các chỉ tiêu HĐQT đặt ra thời gian trước đều đạt và vượt kế hoạch. Doanh thu tăng 2,7 lần, lợi nhuận tăng 3,1 lần, bình quân tăng trưởng doanh thu và lợi nhuận lần lượt đạt 24,5% và 25,3% mỗi năm. Cổ tức đều duy trì trên 30% bằng tiền.
Phát biểu tại đại hội, ông Trần Đình Long, Chủ tịch Hiệp hội giống cây trồng Việt Nam, thành viên HĐQT Tập đoàn PAN Group cho biết “năm 2004 thời điểm trước lúc cổ phần hóa công ty còn bị lỗ, nhưng NSC đã có lãi ngay năm đầu tiên sau cổ phần hóa và tôi đã không thể tưởng tượng được trong ngành giống còn nhiều khó khăn mà thời điểm hiện nay công ty đã có lãi gần 200 tỷ đồng. Giờ đây NSC không chỉ còn là một công ty mà hướng đến thành một Tập đoàn giống hàng đầu Việt Nam. Thành tựu này không chỉ đánh dấu về mặt chuyên môn, doanh số cho cổ đông yên tâm mà định vị công ty có vị thế trong ngành nông nghiệp phát triển một cách bền vững với các loại giống vượt trội có bản quyền. Đầu năm nay đích thân Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm nhà máy sản xuất công nghệ cao của công ty tại Hà Nam”.
Hiệu quả hoạt động của NSC nhìn vào các con số tài chính như EPS đạt 11.462 đồng, cổ tức 30%, giá cổ phiếu 100.000 đồng/cp. Mặc dù vậy, vẫn có một số cổ đông cho rằng với việc PAN Farm đang sở hữu 75% cổ phần của NSC sẽ tác động đến thanh khoản của cổ phiếu và cổ đông của NSC “thiệt” so với cổ đông của PAN.
Tuy nhiên Chủ tịch PAN Farm bà Nguyễn Thị Trà My cho biết chủ trương của PAN khi đầu tư vào các công ty là không kinh doanh cổ phiếu và không tác động đến thanh khoản cổ phiếu trên sàn. Đối với nhà đầu tư chiến lược, họ đồng hành cùng doanh nghiệp và hỗ trợ cho kết quả hoạt động của doanh nghiệp tốt hơn chứ không thể bắt nhà đầu tư chiến lược làm cho giá cổ phiếu tốt lên, đó là do cung cầu thị trường quyết định. PAN không được hưởng lợi nhiều hơn bất cứ cổ đông nào của NSC, mọi cổ đông đều được hưởng lợi như nhau.
Bà Trần Kim Liên, Chủ tịch HĐQT của NSC cho biết để hài hòa quyền lợi của các cổ đông NSC luôn duy trì mức cổ tức cao trên 30% trong suốt thời gian qua và giai đoạn với vẫn duy trì mức cổ tức 30-50%.
Giai đoạn 2017-2020 NSC vẫn giữ tốc độ tăng trưởng lợi nhuậ 20%/năm. Bà Trần Kim Liên cho biết sẽ có khó khăn khi công ty ở quy mô lớn khiến các nhà đầu tư băn khoăn liệu công ty có duy trì được tốc độ tăng trưởng cao hơn bình quân ngành.
Bà Liên cho biết cơ hội của NSC trước mắt vẫn rất lớn. "Ở Việt Nam hiện tại chúng ta mới sử dụng 50% giống có nguồn gốc, chủ trương của Chính phủ tăng lên 70%. Dư địa thị trường giống rất lớn khoảng 1,7 tỷ USD trong đó thị trường lúa đồng bằng sông Cửu Long rộng 4,5 triệu ha có nhu cầu 700.000 tấn nhưng các công ty giống mới cung ứng được 126.000 tấn còn lại là nhập khẩu hoặc do nông dân tự giống. Đây chính là động cơ để công ty tăng trưởng và nâng cao thị phần. mở rộng quy mô kinh doanh. Ngoài ra Chính phủ đã chủ trương 79.000 tỷ từ 2016-2020 hỗ trợ cho các ngành cơ sở khoa học công nghệ nghiên cứu để nâng cao sử dụng giống".
Ở thời điểm hiện tại NSC gần như “không có đối thủ” trong mảng giống ngô thực phẩm. Công ty đặt mục tiêu đến năm 2021 sẽ trở thành Tập đoàn chi phối giống cây trồng ở Việt Nam với thị phần ở vùng chu du miền núi phía Bắc, thị phần tại đồng bằng sông Hồng nâng từ mức 40% hiện tại lên trên 50%, đồng bằng sông Cửu Long từ mức 2% lên 20% (trên 1 triệu ha gieo trồng).
Đối thủ cạnh tranh của NSC trong phân khúc ngô lai có tập đoàn Mosanto, CP Group, Bioseed, lúa lai cạnh tranh với Bioseed Ấn Độ, và các tập đoàn Trung quốc nhưng lúa lai chỉ chiếm 7% tổng diện tích lúa không đáng kể. Vinaseed có lợi thế về giống lúa, sản lượng giống của Vinaseed đạt 6 vạn tấn, trong đó giống kim cương 111 đạt chỉ tiêu “ba nhất” gồm kháng bênh tốt nhất, năng suất cao nhất và độ thích nghi lớn nhất.
Định hướng của Vinaseed trong 5 năm tới vẫn lấy ngành giống cây trồng làm trục chính, chiếm tỷ trọng doanh thu trên 90%, ngoài ra tập đoàn phát triển chuỗi sản xuất lúa gạo và rau quả cao cấp như dưa lưới, phấn đấu trở thành công ty dưa lưới có quy mô lớn nhất. Hiện hệ thống nhà kính tại khu công nghệ cao Hà Nam của công ty chiếm 50% diện tích 21ha chủ yếu theo công nghệ của Nhật. Công ty hướng đến thành Tập đoàn cung cấp giải pháp nông nghiệp phát triển bền vững ứng dụng công nghệ cao.
Nhưng NSC không đầu tư dàn trải mà công ty tập trung vào các loại giống có dư địa thị trường lớn, sở hữu trí tuệ tốt. Việc sở hữu các loại giống độc quyền theo bà Liên giống như "ra trận phải có vũ khí". Giống lúa RVT của NSC thích hợp khắp cả nước và là một trong 4 giống được ưa chuộng nhất Đồng bằng sông Cửu Long. NSC hiện sở hữu một số bộ giống thích nghi khắp các vùng sinh thái, như bí đỏ xuất khẩu sang Trung Quốc mạnh.
Nguồn: NDH
Link:http://ndh.vn/pan-farm-chung-toi-dong-hanh-cung-nsc-phat-trien-kinh-doanh-khong-phai-de-tac-dong-den-co-phieu-20170420055347555p4c147.news