Bài viết

PAN Group tiếp tục đẩy mạnh chiến lược M&A

Không chỉ thực hiện mua bán và sáp nhập (M&A) ở cấp tập đoàn, thời gian tới hoạt động này diễn ra ngay cả tại các công ty thành viên của PAN trong chiến lược trở thành một tập đoàn lớn về nông nghiệp và thực phẩm - ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT công ty cổ phần tập đoàn PAN (PAN) nói.

Nhiều câu hỏi đặt ra cho ông Hưng tại đại hội đồng cổ đông 2019 chiều 26.4, lĩnh vực hay thương vụ nào trong tầm ngắm của PAN thời gian tới, liệu tập đoàn có mở rộng sang lĩnh vực mới? Ông Hưng vẫn để ngỏ vấn đề này và cho biết tập đoàn sẽ nắm bắt cơ hội đầu tư khi thấy phù hợp.
Ông Hưng cho hay công ty sẽ chú trọng việc tìm kiếm cơ hội tại các công ty thành viên để đi vào mọi phân khúc trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm. Hiện nay PAN hoạt động chủ yếu thông qua hai công ty con đại diện cho hai lĩnh vực là PAN Farm và PAN Food với 9 công ty trong mạng lưới.

Ảnh: PAN Group tiếp tục đẩy mạnh chiến lược M&A 


Từ tháng 11.2018, PAN bắt đầu rót vốn vào công ty cổ phần khử trùng Việt Nam (VFG) - một công ty nông dược có tuổi đời hơn 45 năm thông qua hình thức chào mua công khai. PAN đã mua hơn 6,23 triệu cổ phần, tương đương 20% vốn VFG với giá bình quân 38.500 đồng/cổ phiếu.

Đầu năm 2019, PAN tiếp tục nâng tỷ lệ sở hữu tại VFG, tuy nhiên kế hoạch mua đến 51% không thành, PAN chỉ mua được 6,91 triệu cổ phần VFG trong 9,8 triệu cổ phiếu đăng ký chào mua, nâng tỷ lệ sở hữu tại VFG lên 41,88%.

Theo ông Hưng nguyên nhân do yếu tố thị trường hoặc mức giá chưa như kỳ vọng người bán. “Hy vọng năm nay sẽ đưa VFG thành công ty con, việc mua thành công hay không còn phụ thuộc vào nhóm cổ đông ngân hàng Phát triển nhà đồng bằng sông Cửu Long (đang nắm 1,15 triệu cổ phần, tương đương 3,64% vốn VFG) có bán ra hay không”, ông Hưng nói.

Trong năm 2018, PAN cũng đã chào mua thành công và nâng tỷ lệ sở hữu lên 94,66% tại công ty giống cây trồng miền Nam (NSC), qua đó củng cố quy mô của NSC trên thị trường giống, vốn đang cạnh tranh với đối thủ đáng gờm trong ngành nông nghiệp như tập đoàn Lộc Trời.

Ông Hưng cho biết, hiện nay PAN thông qua NSC đã đầu tư một nhà máy giống hiện đại ở Hà Nam. “Việc sản xuất giống hoa, giống rau đang được xem xét. Hiện nay chúng ta chỉ có hai loại giống gạo, ngô, còn thị trường giống rau, hoa, cây ăn quả chưa làm được”, ông Hưng cho hay.

Ông Hưng cũng nói thêm, khi hợp nhất những công ty hàng đầu có nguồn lực, thị trường, việc phát triển organic (phát triển nội lực) tại các công ty thành viên mới là định hướng của tập đoàn. 

Cũng có cổ đông băn khoăn rằng PAN đang thực hiện chiến lược dùng đầu tư tài chính hơn là đầu tư sâu hỗ trợ doanh nghiệp tạo ra giá trị trong lĩnh vực kinh doanh. Ông Hưng phủ nhận điều này và cho biết "thông qua các hoạt động đầu tư giúp doanh nghiệp tối ưu sản xuất và kinh doanh hiệu quả".

Vừa qua, NSC sau khi sáp nhập thành công với công ty cổ phần Giống cây trồng miền Nam (SSC) đầu tư 100 tỉ đồng vào nhà máy sản xuất giống công nghệ cao ở Hà Nam. Trả lời chất vấn cổ đông về kế hoạch doanh thu năm 2019 tăng nhưng lợi nhuận giảm, ông Hưng nói việc đầu tư này sẽ khó mang lại hiệu quả kinh doanh trong ngắn hạn.

Năm 2019, PAN đạt mục tiêu doanh thu hợp nhất 10.512 tỉ đồng - tăng 24%, tuy nhiên lợi nhuận sau thuế hợp nhất 562 tỉ đồng - giảm nhẹ 1% so với năm 2018. Năm 2018, mảng thực phẩm có xu hướng gia tăng tỷ trọng trong cơ cấu doanh thu của PAN, với hơn 73%; trong khi nông nghiệp có xu hướng giảm từ 39% doanh thu năm 2017 xuống còn 27% năm 2018. Tuy nhiên về lợi nhuận, mảng nông nghiệp đóng góp lớn nhất với hơn 54% doanh thu, tiếp đến là thực phẩm với 42% và 4% còn lại là lợi nhuận khác.

Nhi Phạm
Theo Forbes Vietnam

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: