Bài viết

PAN SALADBOWL là doanh nghiệp duy nhất ngành trồng hoa đạt Global GAP và chứng nhận khoa học công nghệ

Ngày 19/7/2017 CTCP PAN - SALADBOWL, công ty con của PAN Farm trực thuộc Tập đoàn PAN đã được Sở KHCN tỉnh Lâm Đồng trao giấy chứng nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN). Như vậy cho đến nay PAN - Saladbowl là doanh nghiệp đầu tiên và duy nhất trong ngành sản xuất hoa tại Việt Nam đạt chứng nhận là doanh nghiệp KHCN và chứng nhận quốc tế Global GAP về quy trình thực hành sản xuất hoa cúc, đạt tiêu chuẩn xuất khẩu hoa tươi vào Nhật và các thị trường khó tính khác.

Mới đây, PAN Farm, công ty mẹ của PAN Saladbowl đã nhận được nguồn vốn hỗ trợ từ các cổ đông lớn trong nước và quốc tế như IFC, liên doanh Daiwa-SSIAM và CTCP Chứng khoán Sài Gòn (SSI). Sự góp mặt của IFC tại PAN Farm sẽ giúp PAN Farm đạt chuẩn quốc tế về an toàn thực phẩm và môi trường cũng như hỗ trợ về chuyên gia trong các dự án phát triển bền vững. Trong khi đó, đối tác Nhật Bản sẽ giúp PAN Farm tiếp cận với xứ sở mặt trời mọc cả về thị trường và công nghệ.

Lễ ký kết hợp đồng đầu tư giữa PAN Farm và các đối tác như IFC, liên doanh Daiwa-SSIAM và CTCP Chứng khoán Sài Gòn

Đến thời điểm này, sản phẩm hoa cúc và cẩm chướng thương phẩm của PAN - SALADBOWL đã xuất khẩu sang Nhật với giá cao hơn nhiều so với giá tiêu thụ trong nước, và được thị trường Nhật Bản hưởng ứng rất tích cực.

Mặc dù Tập đoàn PAN đã có nhiều sản phẩm xuất khẩu sang 20 quốc gia trên thế giới và bản thân công ty Giống cây trồng Trung Ương, công ty con của PAN Farm cũng là một doanh nghiệp công nghệ cao nhưng Ban lãnh đạo của công ty khi đầu tư vào lĩnh vực này rất thận trọng, xác định đây là lĩnh vực đầu tư dài hạn và sẽ mất từ 3-5 năm để xây dựng hệ thống nền tảng và nguồn nhân lực chủ chốt.

Khác với các doanh nghiệp nông nghiệp khác, ban lãnh đạo của PAN Farm tìm hiểu thị trường trước sau đó mới triển khai thực hiện đầu tư và trồng trọt. Quan điểm của người đứng đầu tập đoàn, ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch Tập đoàn PAN cho rằng vấn đề của doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao là phải bán thứ thị trường cần và cạnh tranh nhau về chất lượng. Đầu tư công nghệ cao thường có giá trị lớn, thời gian thu hồi vốn dài nên doanh nghiệp khi chọn lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao phải xuất phát từ công nghệ về giống, thổ nhưỡng, nhà kính, kiểm soát tưới tiêu, thu hoạch, bảo quản, để tạo ra các sản phẩm nông sản có giá trị gia tăng cao, như vậy mới đảm bảo tính hiệu quả của đồng vốn.

Sau khi nhận được giấy chứng nhận Doanh nghiệp KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp, PAN Saladbowl sẽ được hưởng rất nhiều các ưu đãi cho loại hình doanh nghiệp này.

Hàng loạt các chính sách hỗ trợ cho DN KHCN và doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao

Doanh nghiệp khoa học và công nghệ trong nông nghiệp là doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất sản phẩm nông nghiệp được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận.

Hiện nay lĩnh vực ứng dụng khoa học và công nghệ vào nông nghiệp đang nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ Chính phủ. Đầu năm nay Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đồng ý nâng gói hỗ trợ nông nghiệp công nghệ cao từ 60.000 tỷ lên 100.000 tỷ và giao NHNN phối hợp với các NHTM có gói tín dụng phù hợp để làm việc này.

Các doanh nghiệp KHCN trong nông nghiệp và doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao cũng được hưởng ưu đãi rất lớn về thuế. Theo quy định, các Khoa học và công nghệ được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp là 10% áp dụng trong 15 năm từ năm đầu tiên doanh nghiệp có doanh thu từ hoạt động công nghệ cao. DN cũng được miễn thuế TNDN trong 4 năm và giảm 50% số thuế phải nộp trong 9 năm tiếp theo kể từ năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế.

Tuy nhiên DN chỉ được hưởng mức thuế ưu đãi này nếu có tỷ lệ doanh thu từ việc sản xuất kinh doanh các sản phẩm hàng hoá từ kết quả ứng dụng KHCN trên doanh thu của doanh nghiệp trong năm thứ nhất đạt từ 30% trở lên, năm thứ hai đạt từ 50% trở lên và năm thứ ba trở đi đạt từ 70% trở lên (năm thứ nhất là năm đầu tiên có thu nhập chịu thuế). Nếu không đủ điều kiện về tỷ lệ doanh thu thì DN phải nộp thuế theo mức thuế suất hiện hành.

Ngoài ưu đãi thuế, các doanh nghiệp KHCN trong nông nghiệp và nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được tổ chức tín dụng xem xét cho vay không có tài sản bảo đảm tối đa bằng 80% giá trị của dự án, phương án sản xuất kinh doanh ứng dụng KHCN trong sản xuất nông nghiệp. Được miễn lệ phí trước bạ khi đăng ký quyền sử dụng đất, được cho thuê đất, cơ sở hạ tầng với mức giá thấp nhất trong khung giá cho thuê tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao.

Hiện nay trên cả nước có gần 250 doanh nghiệp được chứng nhận doanh nghiệp KHCN và chưa đến 25 DN nông nghiệp công nghệ cao trong tất cả các ngành, riêng trong lĩnh vực nông nghiệp, con số này còn rất khiêm tốn, chiếm chưa đến 15% và xu hướng các nhà đầu tư rót vốn vào thị trường này đang tăng với tốc độ chóng mặt. Các sản phẩm nông sản của Việt Nam đang ngày một khẳng định tại thị trường quốc tế. Việc lựa chọn thị trường xuất khẩu cũng sẽ giải bài toán "được mùa mất giá" của người nông dân. Tuy nhiên đầu tư KHCN trong lĩnh vực nông nghiệp không hề dễ dàng và chỉ những người làm chủ được công nghệ, về vốn và thị trường mới có thể tồn tại được.

Nguồn: Báo NDH (www.ndh.vn)

Link: http://ndh.vn/pan-saladbowl-la-dn-duy-nhat-nganh-trong-hoa-dat-global-gap-va-chung-nhan-khoa-hoc-cong-nghe-2017073106565230p4c147.news

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: