Bài viết

Phó Chủ tịch The PAN Group: "Sau M&A, điều được nhất chính là con người"

Tại buổi gặp gỡ giới phân tích diễn ra chiều 5/2 tại TP HCM, bà Nguyễn Thị Trà My – Phó Chủ tịch HĐQT The PAN Group đã chia sẻ ý tưởng và câu chuyện phát triển tập đoàn.

Bà My cho rằng bản thân may mắn khi đã được cùng ông Nguyễn Duy Hưng – Chủ tịch The PAN Group đồng lòng phát triển một doanh nghiệp chuyên về nông nghiệp và thực phẩm tại thị trường hơn 90 triệu dân, với tỷ lệ lớn sống bằng nông nghiệp. Đây là thị trường khổng lồ và thiếu nghiêm trọng những sản phẩm đạt chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Khởi đầu cho ý tưởng này, những người sáng lập đã lựa chọn PAN – một công ty sẵn có mà không thành lập một đơn vị mới là bởi hai lý do. Thứ nhất, giá cổ phiếu thời điểm đó rất thấp, nếu bỏ 1 đồng ra thì có thể thu về hơn 2 đồng tài sản và thứ hai là việc hiểu rõ doanh nghiệp, vốn đã hoạt động bài bản theo chuẩn niêm yết, khi ông Hưng chính là nhà sáng lập PAN.

Bà Nguyễn Thị Trà My – Phó Chủ tịch HĐQT The PAN Group chia sẻ tại buổi gặp gỡ giới phân tích.

Sau đó, ban lãnh đạo đã tái cấu trúc, đổi tên thành The PAN Group và huy động vốn từ các tổ chức trong và ngoài nước uy tín như IFC, TAEL, GIC, PYN, SSI, NDH Invest, CSC Việt Nam… PAN đã dùng số tiền đó để M&A các công ty đầu ngành về lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm như NSC, SSC, LAF, ABT, BBC… gần đây nhất là FMC.

“Khi hợp nhất các công ty, cái The PAN Group được nhất không phải dòng tiền, thị trường, thương hiệu, doanh số hay lợi nhuận mà quan trọng là chúng tôi đã hợp nhất được những người tài giỏi nhất, nguồn nhân lực tốt nhất của những công ty có bề dày lịch sử”, bà My hào hứng nói.

Tập đoàn PAN bao gồm 2 nhánh là PAN Farm (trồng trọt và giải pháp nông nghiệp) và PAN Food (thực phẩm đóng gói).

PAN Farm sở hữu 75% vốn của Giống cây trồng Trung Ương (NSC) và 64% vốn PAN Saladbowl JSC hợp tác với Nhật Bản. Bà My cho biết NSC đang hoạt động rất hiệu quả trong khi PAN Saladbowl JSC có 36% vốn góp của đối tác Nhật, đối tác này hỗ trợ đơn vị rất nhiều trong việc nghiên cứu sản phẩm và tiêu thụ rau, quả và hoa tại đây (một thị trường rất khó tính). Mới đây, PAN Farm vừa hoàn tất đợt chào mua công khai cổ phiếu FMC của Thực phẩm Sao Ta tăng sở hữu từ 4,7% lên 34,17%. Đây là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu tôm lớn nhất Việt Nam với kết quả kinh doanh tăng trưởng mạnh nhiều năm qua. Công ty con của PAN là ABT cũng đã sở hữu 20,1% vốn FMC.

Còn PAN Food sở hữu 72,8% vốn của Aquatex Bến Tre (ABT), 32,4% vốn của 584 Nha Trang, 50,07% vốn Bibica (BBC), 80,5% vốn Lafooco (LAF) và 99,5% vốn Công ty Chế biến thực phẩm PAN.

Theo bà My, hoạt động M&A của PAN có điểm đặc biệt là “con có trước, mẹ có sau” - tập đoàn chỉ mới được 5 hay 6 tuổi đời nhưng sở hữu những công ty con vài chục năm, có đơn vị 6 tháng nữa là được 50 tuổi. Bản thân các công ty con vốn đã kinh doanh tốt nhưng với sức trẻ của mình, tập đoàn cũng có thể hỗ trợ về vấn đề tài chính, hệ thống quản lý, chiến lược nhãn hiệu... Nhờ đó mà các công ty liên kết với nhau để tạo thành chuỗi giá trị khép kín.

Chia sẻ trước sự quan tâm của các đơn vị phân tích và nhà đầu tư, khi đặt hàng loạt câu hỏi về M&A, bà My nhìn nhận điều này cho thấy hoạt động mua bán, sáp nhập của The PAN Group đã bước đầu thu được những kết quả nhất định. Vị này cũng bật mí trong năm tới, tập đoàn có kế hoạch phát hành cổ phiếu cho đối tác chiến lược để huy động vốn, phục vụ M&A và xây dựng cơ sở sản xuất. Giá phát hành, theo bà My, chắc chắn cũng sẽ cao hơn nhiều so với giá cổ phiếu trên thị trường hiện nay.

Hoạt động M&A giúp The PAN Group hoàn thiện dần chuỗi giá trị sản phẩm

Trong giai đoạn 2012-2017, The PAN Group đã đạt được bước nhảy vọt trong kết quả kinh doanh với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm (CAGR) của doanh thu là 71% và lợi nhuận sau thuế là 44%. Riêng năm 2017, tập đoàn ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.047 tỷ đồng, vượt 32% kế hoạch năm và tăng trưởng gần gấp rưỡi so với năm trước; lợi nhuận sau thuế thuộc cổ đông công ty mẹ năm qua của PAN đạt 371 tỷ đồng, gần gấp đôi so với kế hoạch và tăng trưởng 44%. Lãi cơ bản trên mỗi cổ phiếu đạt 3.154 đồng, tăng 35% so với năm trước.

The PAN Group dự kiến đến 2022 doanh thu sẽ cán mốc 1 tỷ USD và lợi nhuận trước thuế từ 95-100 triệu USD. Bà My cho biết, đà tăng trưởng kết quả kinh doanh của The PAN Group sẽ 50% đến từ nội tại và 50% đến từ M&A, thời gian tới tập đoàn tiếp tục tìm kiếm các công ty trong cùng lĩnh vực hoạt động hiệu quả, sản phẩm chất lượng, cạnh tranh để mua lại nhằm gia tăng thị phần và quy mô. Tập đoàn sẽ tiếp tục phát hành riêng lẻ để phục vụ cho mục tiêu M&A.

Tại thị trường nội địa, sản phẩm nông nghiệp của PAN phủ sóng khắp 63 tỉnh thành với 1.500 đại lý độc quyền và 300 đại lý kinh doanh; sản phẩm thực phẩm cũng được bán ở 132.000 điểm bán lẻ, 160 nhà phân phối, 2.000 siêu thị và 700 đại lý kinh doanh. Tập đoàn cũng có khoảng 20 năm kinh nghiệm xuất khẩu sản phẩm đi hơn 30 nước trên thế giới.

Tại thời điểm cuối năm 2017, PAN có nợ phải trả chỉ chiếm 30,6% tổng nguồn với 1.834,6 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn là 682 tỷ đồng và vay dài hạn 236 tỷ đồng. Tuy vốn điều lệ chỉ 1.177 tỷ đồng nhưng vốn chủ sở hữu của tập đoàn đạt 4.164 tỷ đồng nhờ có thặng dư 1.021 tỷ cùng các quỹ, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối và lợi ích cổ đông không kiểm soát.

Về mặt tài sản, PAN đang có gần 1.119 tỷ đồng nằm tại tiền và các khoản tương đương tiền, chiếm gần 1/6 tổng tài sản. Khoản mục chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu tài sản của tập đoàn là tài sản cố định với 1.712 tỷ đồng gồm 806 tỷ tài sản cố định hữu hình (nguyên giá 1.521 tỷ) và 905 tỷ tài sản cố định vô hình (nguyên giá 948 tỷ).

Nguồn: ndh.vn

http://ndh.vn/pho-chu-tich-the-pan-group-sau-m-a-dieu-duoc-nhat-chinh-la-con-nguoi-20180206101446617p4c147.news

Chia sẻ:

Bài viêt cùng danh mục: